Thứ Sáu, 04/10/2024, 21:48 (GMT+7)
.

Miền Tây chủ động ứng phó lũ, triều cường

Theo dự báo, mực nước trên sông Cửu Long sẽ cao hơn, lũ tại miền Tây đạt đỉnh năm 2024 vào ngày 20/10 tới đây. Vì vậy công tác ứng phó tại các địa phương cần được khẩn trương thực hiện với mọi tình huống, không để bị động.

Âu thuyền Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) là một trong những công trình thuộc dự án cống hộp ngăn triều, cống kiểm soát nước, chống ngập đô thị của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Phương Bằng
Âu thuyền Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) là một trong những công trình thuộc dự án cống hộp ngăn triều, cống kiểm soát nước, chống ngập đô thị của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Phương Bằng

Phòng chống từ sớm, từ xa

Ngày 30/9, tỉnh Đồng Tháp họp Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, lên kế hoạch ứng phó với hai đợt triều cường ngày 5/10 và 20/10.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, khu vực đầu nguồn đạt đỉnh triều vào ngày 4 và 5/10, mực nước cao nhất tại Hồng Ngự là 3,35m, đạt đỉnh năm 2024 từ ngày 18 và 20/10 với mực nước 3,5m, mức báo động cấp I. Khu vực nội đồng Tháp Mười đạt đỉnh năm từ ngày 19 đến 22/10, báo động cấp II, cấp III, mực nước cao nhất năm tại Trường Xuân ở mức 2,3m. Tại các huyện thị khu vực phía nam tỉnh Đồng Tháp, đỉnh triều cao nhất năm vào ngày 18 đến 20/10, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh ở mức 2,45-2,55m.

Theo nhận định, đỉnh lũ năm 2024 tại Đồng Tháp ở mức cao hơn năm 2023 từ 0,1-0,4m. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho hay, tỉnh tập trung ứng phó hai đợt triều cường đạt đỉnh, đặc biệt không để phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp; rà soát, bảo vệ những điểm xung yếu; hướng dẫn cho người dân ứng phó khi mực nước tăng.

Tại Hậu Giang, theo dự báo từ ngày 11/10 đến ngày 31/10 có khả năng xuất hiện từ một đến hai cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Do nhiễu động trên cao và hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới trong tháng 10 đến đầu tháng 11, tại Hậu Giang xuất hiện hai đến ba đợt mưa lớn diện rộng; lượng mưa trung bình dao động từ 320-400 mm, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-100 mm. Triều cường kết hợp với mực nước lũ trên sông Hậu và có thể có mưa lớn tại chỗ trong tháng 10 sẽ gây ngập lụt trên diện rộng. Bởi vậy, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh.

Trước diễn biến các đợt triều cường khả năng gây ngập diện rộng các tuyến đường trũng thấp và khu vực ven sông trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi, cập nhật liên tục thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn; có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều cung cấp cho các cơ quan, đơn vị và người dân biết để chủ động ứng phó.

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và An Giang cũng đã yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó và phòng chống từ sớm, từ xa với từng loại hình thiên tai, nhất là ứng phó bão, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại

Nhận định về lũ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ, cho rằng, do tình hình mưa bão thời gian qua cộng với việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn, thời gian tới, mực nước tại châu thổ Cửu Long chắc chắn sẽ cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, theo ông, người dân không nên quá lo lắng mà ngược lại, đây là điều đáng mừng cho miền Tây vì nhiều năm qua chỉ có lũ thấp hoặc trung bình, năm nay hy vọng lũ khá hơn, có tác động tốt cho môi trường sinh thái và mang lại nguồn thủy sản, tôm, cá cho cuộc sống của người dân.

Theo PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Khoa học thủy lợi Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hạ tầng hệ thống đê bao kiểm soát lũ cả năm như hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ lúa thu-đông. Năng lực hệ thống công trình thủy lợi hiện nay tại miền Tây có thể phân thành ba vùng: Vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh lũ năm tại Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện từ ngày 17 đến 21/10. Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12, mực nước tại các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều.

Đối với vùng thượng, hệ thống ô bao về cơ bản có thể đáp ứng được với lũ ở mức trên báo động II (tức mực nước khoảng 4,0 - 4,3m ở Tân Châu) và với vùng này, hệ thống trạm bơm điện cũng cơ bản bảo đảm tiêu úng khi xảy ra mưa. Đối với vùng giữa, do ảnh hưởng của cả lũ và triều, hệ thống ô bao nhiều chỗ còn thấp và địa hình trũng thấp nên nếu xảy ra mưa lớn đồng thời gặp triều cường, sẽ xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ (nhất là khu vực trung tâm bán đảo Cà Mau, như tỉnh Hậu Giang; các huyện Mỹ Tú, Ngã Năm, Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng và một phần huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).

Còn đối với vùng ven biển, về cơ bản, các hệ thống đã kiểm soát tốt, ngoại trừ diện tích đất sản xuất ven sông lớn, ven biển và các cù lao còn bị ảnh hưởng bởi triều cường. Ngoài ra, ở khu vực ven biển Tây (U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau), khả năng tiêu úng kém.

Đề phòng các rủi ro thiệt hại do ngập úng gây ra, PGS, TS Hoằng khuyến cáo, công tác thủy lợi ở các địa phương cần phải chú trọng: Một là, tăng cường rà soát các tuyến bờ bao, ô bao kiểm soát lũ, đặc biệt tại những vùng dự báo nguy cơ mất an toàn. Hai là, chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó kịp thời khi xảy ra ngập úng. Ba là, tập trung xuống giống đúng lịch được khuyến cáo và chỉ xuống giống trong các ô bao có bờ bao bảo đảm. Bốn là, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo lũ, khí tượng thủy văn của các cơ quan dự báo chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Đài Khí tượng thủy văn địa phương. Theo dõi các bản tin dự báo về diễn biến nguồn nước, mưa lũ để xây dựng kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi hợp lý, bảo đảm tiêu thoát lũ, không gây ngập úng.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.