Người miền Tây thấp thỏm nỗi lo sạt lở
Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân sống ven sông, ven biển luôn thấp thỏm, bất an, dù các địa phương đã nỗ lực phòng chống bằng nhiều giải pháp.
Nhà dân ven kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị thiệt hại do sạt lở hồi tháng 4/2024. Ảnh: Trung Phạm |
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Ngày 9/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Tiền, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân; Giao Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức gia cố khẩn cấp đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Trước đó, ngày 4/10, do ảnh hưởng mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên bờ sông Tiền (khu vực tổ 27, khóm 4, phường 11, TP Cao Lãnh). Đoạn sạt lở kéo dài 130m, từ công trình kè Trung đoàn 9 về phía thượng lưu, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 23 hộ dân (66 nhân khẩu) đang sinh sống tại khu vực, đe dọa trực tiếp đến công trình kè của Trung đoàn 9.
Đáng nói, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Tháp đã xảy ra 27 vụ sạt lở nội đồng với chiều dài sạt lở là 818m, diện tích gần 2.000 m2, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân.
Nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chịu thiệt hại vì sạt lở bờ sông. Như ở Tiền Giang, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 20 điểm sạt lở mới phát sinh tại các xã Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Hòa Hưng, Mỹ Lợi A, Hậu Mỹ Bắc B, Thiện Trung, An Cư… Các tuyến sông thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng là Cái Lân, Rạch Ruộng, Ông Vẽ… Địa phương hiện có 73 điểm sạt lở cũ và mới. Ước tổng kinh phí xử lý, khắc phục lên đến 46 tỷ đồng, trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần được xử lý khẩn cấp để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản người dân trong tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp.
Tại Cần Thơ, sông Ô Môn là một trong những tuyến sông có tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Hiện tại, cơ bản tuyến bờ phải sông Ô Môn (hướng từ cầu Ô Môn trở ra sông Hậu) đã được đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở kiên cố; còn lại đoạn từ bến đò Tầm Vu đến Rạch Ranh (chiều dài 570m, dự kiến tổng mức 71 tỷ đồng), thành phố đang huy động các nguồn vốn để xem xét đầu tư. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đã yêu cầu các ngành liên quan, cùng chính quyền các địa phương tăng cường biện pháp ứng phó, kiên quyết di dời các hộ có nguy cơ đến nơi an toàn; đẩy nhanh thi công các công trình kè chống sạt lở.
Khẩn trương phòng, chống
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm bồi 100 ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng này bị mất hơn 350 ha đất. Trước đây, sạt lở chủ yếu vào mùa lũ, còn nay lở quanh năm, mùa khô lại nhiều hơn.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển tại đồng bằng này có một số nguyên nhân chính: Tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, góp phần làm cho bờ sông và bờ biển bị sạt lở. Khi dòng chảy trên sông Mê Công thay đổi do yếu tố như mưa hay điều kiện khác, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái. Mặt khác, do khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát và sự suy giảm phù sa làm cho Đồng bằng sông Cửu Long bị lún trung bình khoảng 1,1cm mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay công tác dự báo thường xuyên về loại thiên tai này chưa thực hiện được. Vì vậy, người dân trở tay không kịp, chỉ tự nhận biết hoặc được thông báo trước vài ngày dựa trên một vài dấu hiệu quen thuộc của sạt lở.
Phòng, tránh sạt lở hiệu quả, theo các chuyên gia, trước mắt cần khẩn trương thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của thiên tai sạt lở, sụp lún bờ sông; các công trình, nhà cửa nằm sát bờ sông, rạch phải được kiểm tra và xử lý ổn định. Người và tài sản ở các công trình, nhà cửa có dấu hiệu bị sạt lở cần được di dời ngay đến nơi an toàn. Việc cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm cần được tiến hành để hạn chế hoặc dừng hẳn các hoạt động chung quanh khu vực này.
Về lâu dài, cần các giải pháp công nghệ và công trình để ứng phó sạt lở, nhưng cũng không thể thiếu các giải pháp phi công trình. Cùng đó, việc triển khai quy hoạch tích hợp vùng, các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có những điều chỉnh hợp lý về giao thông, thủy lợi để bảo đảm sự an toàn về nhà ở cho người dân và các công trình xây dựng.
Cần có cuộc tổng điều tra, khảo sát, đánh giá khoa học tình hình, nguyên nhân chủ yếu của sạt lở để có giải pháp, lộ trình, cách giải quyết phù hợp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư.
(Theo nhandan.vn)