Thứ Ba, 22/10/2024, 14:31 (GMT+7)
.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Đông: Đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho người nghèo

Trong những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tích cực tháo gỡ những khó khăn về hoạt động tín dụng chính sách, huy động mọi nguồn lực để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từng bước giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

TẠO ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN VAY VỐN

Hằng năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ khi vay vốn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ lợi ích của các chính sách tín dụng ưu đãi, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.

Nhân viên NHCSXH huyện hỗ trợ người dân giao dịch tại điểm giao dịch các xã trên địa bàn huyện.
Nhân viên NHCSXH huyện hỗ trợ người dân giao dịch tại điểm giao dịch các xã trên địa bàn huyện.

Ngay từ đầu năm 2024, Ban Đại diện Hội đồng quản trị (BĐDHĐQT) NHCSXH huyện đã chủ động bám sát định hướng của NHCSXH cấp trên, Huyện ủy, UBND huyện, nghị quyết của BĐDHĐQTNHCSXH huyện, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận của cán bộ, nhân viên tại phòng giao dịch đã nghiêm túc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

NHCSXH huyện hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà tập trung vào việc cung cấp vốn tín dụng ưu đãi, giúp hộ nghèo và các đối tượng gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn, từ đó phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

Một trong những nhiệm vụ chính của NHCSXH huyện là tổ chức cho vay vốn thông qua các chương trình tín dụng chính sách, với mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ nghèo, tạo việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng khó khăn; hỗ trợ cho những hộ nghèo, góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời hạn chế tác động tiêu cực từ tín dụng đen và các hình thức cho vay không chính thức khác .

Theo đó, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% ấp, khu phố trên địa bàn huyện. Đã tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.

Trên địa bàn huyện Gò Công Đông có 13/13 xã, thị trấn có điểm giao dịch tại UBND và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hoạt động của các điểm giao dịch ngày càng ổn định, thực hiện công khai, đầy đủ thủ tục, mẫu biểu theo quy định.

Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, qua đó, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước kịp thời đến với người dân. Hiện nay, doanh số cho vay đạt 124,354 tỷ đồng, với 3.840 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 98,140 tỷ đồng.

Toàn huyện đang quản lý và triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách xã hội, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi là 449,505 tỷ đồng, tăng 26,513 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 5,55%, đạt 96,21% kế hoạch giao, với 11.391 khách hàng đang còn dư nợ.

Với nguồn vốn trên đã góp phần trong việc thực hiện thành công nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra, giúp cho khoảng 200 - 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững hằng năm.

Nhờ đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Gò Công Đông giảm còn 314 hộ (tỷ lệ 0,81%), hộ cận nghèo giảm còn 870 hộ (tỷ lệ 2,25%). Thực tế cho thấy, chương trình cho vay, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương giúp cho người lao động mở ra nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút lao động, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp tại địa phương và một số ngành nghề truyền thống được khôi phục.

ĐƯỢC CẤP VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ dân đã có điều kiện về vốn để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên, phụ nữ gương mẫu đi đầu, vươn lên làm kinh tế giỏi, tiêu biểu là chị Võ Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1982, ấp Gò Me, xã Bình Ân là một trong những điển hình về phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi dê.

Trước đây, chị Giàu có cuộc sống vô cùng khó khăn, vợ chồng chị bắt đầu chăn nuôi chỉ với 2 con dê cái. Qua thời gian, nhận thấy dê rất dễ nuôi, chị muốn mở rộng thêm chuồng trại nhưng không có vốn để đầu tư.

Tín dụng chính sách xã hội giúp cho người chấp hành xong án phạt tù (hỗ trợ con của người nữ trong ảnh) có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Tín dụng chính sách xã hội giúp cho người chấp hành xong án phạt tù (hỗ trợ con của người nữ trong ảnh) có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Nhờ sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Ân giới thiệu vay vốn từ NHCSXH huyện, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, chị vay tổng cộng 55 triệu đồng và đã mạnh dạn mở rộng thêm chuồng trại.

Từ 2 con dê ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình chị đã tăng trên 200 con. Ngoài việc nuôi dê, chị còn thu mua dê, kinh doanh thức ăn chăn nuôi dê… Sau nhiều năm chí thú làm ăn, giờ đây gia đình chị có kinh tế ổn định, mua thêm đất trồng cỏ để chăn nuôi, cất được nhà cửa khang trang, lo cho các con học hành và có việc làm ổn định.

Phòng Giao dịch NHCSXH đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 726 lao động từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; giúp hơn 858 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trên 2.015 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ 5 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu công nghiệp được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà khang trang; giúp cho 12 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế tại địa phương và hỗ trợ vốn cho 1.037 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh.

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, qua hơn 9 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đặc biệt là sự chỉ đạo có hiệu quả của BĐDHĐQTNHCSXH huyện Gò Công Đông và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên phòng giao dịch đã đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội từng bước ổn định.

Thời gian tới, Phòng Giao dịch huyện tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu giảm nợ quá hạn còn dưới 0,10%; tiếp tục thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Tiết kiệm & vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền hộ vay gửi tiết kiệm hằng tháng, phấn đấu từng xã, thị trấn đạt trên 95%; tập trung công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ chức, cá nhân; tăng cường giải ngân các chương trình tín dụng, đặc biệt chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

LÝ OANH

.
.
.