Phụ nữ Tiền Giang: Thi đua thiết thực với nhiều mô hình hay
Cập nhật: 11:13, 16/10/2024 (GMT+7)
(ABO) Nhân Kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức Chương trình họp mặt và tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Tiền Giang đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”.
Tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình. |
Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Tiền Giang đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới” thời gian qua đã được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo với nhiều mô hình hay, cách làm mới phù hợp với mong muốn, nhu cầu của hội viên, phụ nữ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, từ đó tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia. Thông qua hoạt động của các mô hình, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện phong trào thi đua nói riêng và trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, phong trào phụ nữ nói chung.
VUI, KHỎE CÙNG CÂU LẠC BỘ DÂN VŨ
Trong nhiều mô hình, mô hình “Dân vũ thể thao” của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, huy động sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ sinh hoạt thường xuyên. Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe thông qua các bước nhảy nhẹ nhàng, đơn giản nhưng vui tươi, phù hợp với mọi lứa tuổi, thì mô hình còn là điểm đến để tập hợp, thu hút chị em hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội.
Câu lạc bộ "Dân vũ thể thao" huyện Chợ Gạo biểu diễn giao lưu tiết mục “Một vòng Việt Nam” tại chương trình. |
Tham gia giao lưu tại chương trình tuyên dương, Câu lạc bộ (CLB) "Dân vũ thể thao" huyện Chợ Gạo đã biểu diễn giao lưu tiết mục “Một vòng Việt Nam” và CLB TP. Mỹ Tho giao lưu tiết mục “Tự hào phụ nữ Việt Nam”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo Đặng Thị Minh Khai chia sẻ: "Mô hình “Dân vũ thể thao” tuy mới được triển khai từ năm 2022, nhưng đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cơ sở hội và hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Đã thành nền nếp và tùy theo điều kiện của từng CLB ở các cơ sở hội, mà vào mỗi buổi chiều các ngày trong tuần, chị em trong CLB lại chủ động có mặt tại nhà văn hóa để cùng nhau luyện tập. Tuy mỗi người một công việc, lứa tuổi khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê với thể thao nên khi được hòa mình vào từng động tác, bước nhảy ai cũng cảm thấy trẻ trung, năng động.
Các thành viên khi tham gia các CLB "Dân vũ thể thao" huyện Chợ Gạo đều cho rằng, được hòa mình vào những điệu nhảy dân vũ sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng không chỉ giúp chị em cải thiện sức khỏe, giữ gìn vóc dáng, mà còn giúp mỗi người có thêm năng lượng, tinh thần vui vẻ, sảng khoái. Đặc biệt, khi tham gia CLB, chị em thường xuyên chuyện trò, tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, động viên nhau cùng nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng gia đình. Qua đó, tạo sự gắn kết, thấu hiểu, sẻ chia giữa các thành viên trong CLB.
Chị Huỳnh Thị Diễm giao lưu qua tiết mục hát "Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long". |
Là hội viên, phụ nữ tiêu biểu của ấp Bình Nhựt, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, chị Huỳnh Thị Diễm được nhiều người biết đến chị khi nhắc đến thương hiệu “Mắm Bà Hai Diễm”. Bên cạnh khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình, chị còn tạo việc làm cho 32 phụ nữ của địa phương làm việc tại Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, chị Diễm còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội LHPN xã Thành Công và chính quyền địa phương tổ chức. Chị là Chủ nhiệm CLB "Dân vũ thể thao" của xã Thành Công với 12 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Tại chương trình, chị Diễm đã giao lưu qua tiết mục hát "Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long".
KỂ CHUYỆN VỀ BÁC TRONG SINH HOẠT CHI, TỔ HỘI
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Tiền Giang đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới”, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đó là “Kể chuyện về Bác”. Thông qua các mẫu chuyện kể về Bác Hồ lồng ghép trong sinh hoạt tại chi, tổ hội, giúp hội viên, phụ nữ tiếp tục được nâng cao nhận thức, đúc kết nội dung “học tập” hoặc “làm theo” Bác. Từ đó liên hệ, vận dụng phù hợp với thực tiễn học tập, lao động và công tác của bản thân, phát huy vai trò, trách nhiệm tích cực tham gia các hoạt động của Hội và của địa phương.
Chị Hoàng Thị Ngọc Soa kể mẫu chuyện: Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô. |
Tham gia giao lưu tại chương trình tuyên dương, chị Hoàng Thị Ngọc Soa, đại diện các cơ sở thuộc Hội LHPN huyện Châu Thành với mẫu chuyện kể: Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô. Qua câu chuyện đã nói lên truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tinh thần yêu nước quật cường chống giặc ngoại xâm; cần cù thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; luôn giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, có trách nhiệm nuôi, dạy con cái, quản lý tốt gia đình, có lòng nhân hậu, có tính cộng đồng, vì lợi ích của mọi người và xã hội.
Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Bác Hồ còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam, nữ, quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Từ đó, chị em phụ nữ phải có quyết tâm, đạo đức, tác phong để làm tròn nghĩa vụ của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PHỤ NỮ TÂN HÒA THÀNH LÀM THEO GƯƠNG BÁC
Đến với chương trình tuyên dương, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước đã trình bày 1 bài thơ do mình tự sáng tác với tựa đề “Phụ nữ Tân Hòa Thành làm theo gương Bác”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước trình bày bài thơ do mình tự sáng tác tại chương trình. |
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ: "Trong các cuộc họp chi, tổ hội, tôi thường xuyên đọc thơ, hò, hoặc kể chuyện… những bài ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, từ đó rút ra ý nghĩa qua từng câu thơ, mẫu chuyện. Thông qua từng làn điệu dân ca, lời thơ, điệu lý, với ca vần mộc mạc, gần gũi đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng giúp hội viên, phụ nữ dễ tiếp thu, dễ nhớ và dễ thực hiện, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Hội ở địa phương".
Nhiều hội viên, phụ nữ ngày càng bị lôi cuốn bởi cách kể chuyện sinh động về Bác của chị Trang nên đã sưu tầm các câu chuyện về Bác để không chỉ thảo luận hay kể cho nhau nghe trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, mà còn để kể cho con cháu nghe, từ đó phấn đấu rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
L. PHƯƠNG