.

Tiền Giang: Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Cập nhật: 13:28, 24/10/2024 (GMT+7)

Với quyết tâm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5% trong năm 2024, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa khó giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

NHIỀU KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng cho 20.000 lao động, chú ý người khuyết tật, đối tượng chính sách, hộ nghèo; đồng thời, đào tạo nghề cho 7.500 sinh viên trình độ cao đẳng, 14.700 học sinh trình độ trung cấp. Qua đó, tạo nguồn cung phục vụ thị trường lao động, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm việc với thu nhập ổn định, phù hợp sở trường, nguyện vọng.

Giờ thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Tiền Giang.
Giờ thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Tiền Giang.

Năm 2023, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của tỉnh đạt chỉ tiêu, kế hoạch năm, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,5%. Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển 12.993 học sinh, sinh viên và học viên, đạt 113,08% kế hoạch năm. Trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gò Công Đông đã đào tạo được 7 lớp nghề lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Kết quả, tất cả 175 học viên đều tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề học. Năm 2024, trung tâm dự kiến chiêu sinh 6 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, đan lưới) với 210 học viên ở các xã: Tân Phước, Tân Đông, Tân Điền... Ngoài ra, trung tâm còn mở 12 lớp đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp như: Trồng nấm rơm, chăn nuôi dê, trồng lúa chất lượng cao, trồng cây kiểng, với 390 học viên.

Đứng trước những yêu cầu của đổi mới, nhà trường không ngừng cải tiến nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo đó, nhà trường đã gắn kết với hơn 40 doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu thực tập, thực hành nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.  Chương trình đào tạo các ngành, nghề của trường, học sinh, sinh viên có tới 70% thời gian học thực hành nghề nghiệp tại xưởng trường và doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, 100% học sinh, sinh viên các khối ngành kỹ thuật được doanh nghiệp tuyển dụng; các ngành, nghề còn lại khoảng 90% có việc làm sau khi tốt nghiệp”.

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG TIỀN GIANG NGUYỄN QUANG KHẢI

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gò Công Đông Nguyễn Thái Duy, trên cơ sở nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đơn vị phối hợp các ngành chức năng liên quan với các xã, thị trấn tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người lao động. Qua đó, trung tâm phân loại đối tượng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề, đảm bảo hiệu quả thiết thực, đào tạo nghề gắn với thị trường lao động cùng nhu cầu thực tế của người lao động; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới.

Còn tại huyện Cái Bè, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê của huyện Cái Bè cho thấy, giai đoạn 2020 - 2023, huyện Cái Bè đã mở được 14 lớp nông nghiệp, với 400 học viên tham gia. Số lao động nông thôn sau khi học nghề có tỷ lệ tốt nghiệp trên 97% và 95%, có việc làm phù hợp, hầu hết các lao động ứng dụng kiến thức nghề đã học để nâng cao năng suất, có nhiều mô hình được ứng dụng vào thực tế, bước đầu góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển của địa phương; đồng thời có nguồn lợi cho thu nhập cao. Thống kê mới nhất cho thấy, tổng số lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 145 ngàn người, đạt trên 75%. Tổng số người lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 45%.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2024, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên và học viên; trong đó: 3.063 trình độ trung cấp, cao đẳng và 10.130 học viên trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; sẽ hỗ trợ đào tạo 4.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%, với tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Trong đó, đáng chú ý, tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho tổng cộng 4.073 người lao động, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an (3.617 lao động nông thôn và 456 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an); trong đó, số lao động học nghề phi nông nghiệp 2.092 người, chiếm tỷ lệ 51,4%; số lao động học nghề nông nghiệp 1.981 người, chiếm tỷ lệ 48,6%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 90% trở lên. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 14 tỷ đồng.

Mùa tuyển sinh năm học 2024 - 2025, Trường Cao đẳng Tiền Giang đã tuyển 1.189 thí sinh trúng tuyển được gọi nhập học. Quy mô đào tạo của nhà trường có 2.200 học sinh, sinh viên chính quy các trình độ cao đẳng, trung cấp và 200 học viên liên thông từ cao đẳng lên đại học. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo ngắn hạn trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 2.727 học viên các nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ và giao thông vận tải.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lý Văn Cẩm, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, đơn vị tăng cường phối hợp với các sở, ngành và đoàn thể thực hiện tốt công tác tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp theo nội dung Kế hoạch 202 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” để tăng cường công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau phổ thông.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thật sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo. Qua đó, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học đáp ứng tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đ. PHI

.
.
.