Vì sao lựa chọn tốc độ 350km/giờ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam?
Quá trình nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, 3 phương án được đề xuất với tốc độ thiết kế là 250km/giờ và 350km/giờ cùng với khác biệt về tải trọng. Bộ Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/giờ cho tuyến đường sắt này để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng thế giới, phát huy hiệu quả.
Theo liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, kể từ khi bắt đầu khai thác năm 1964, tốc độ của đường sắt tốc độ cao trên thế giới không ngừng tăng lên với sự phát triển của nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đầu máy toa xe và cách thức tổ chức vận hành. Theo thống kê, hiện nay thế giới đang khai thác và vận hành ổn định đường sắt tốc độ cao ở tốc độ 350km/giờ.
Nếu xét trên góc độ kinh tế, tổng chi phí đầu tư đường sắt tốc độ cao với tốc độ 350km/giờ nhiều hơn so với tốc độ 250km/giờ khoảng 8-9% (trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn khoảng 7%; chi phí phương tiện, thiết bị cao hơn khoảng 17%); tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/giờ, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/giờ là khó khả thi và không hiệu quả.
Báo cáo tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đề xuất 3 phương án. Điểm chung của các phương án này là xây mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, khác nhau về vận tốc thiết kế và tải trọng.
Phối cảnh một tuyến đường sắt tốc độ cao. |
Phương án 1: Tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 17 tấn/trục; 23 ga khách; khai thác riêng tàu khách; nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện hữu để vận tải hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 63,95 tỷ USD. Năng lực đáp ứng: 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu/ngày đêm; đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu/ngày đêm); khả năng vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc-Nam), khoảng 106,8 triệu hành khách/năm (đối với tàu khách khu đoạn) và 18,5 triệu tấn hàng hóa/năm (khai thác trên tuyến đường sắt hiện hữu).
Phương án 2: Tốc độ thiết kế 250km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 50 ga khách, 20 ga hàng; vận tải cả hành khách và hàng hóa (khai thác chung tàu khách và tàu hàng cùng khung giờ). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,42 tỷ USD
Theo hồ sơ báo cáo của Tư vấn thẩm tra, khả năng vận chuyển theo phương án 2 đáp ứng khoảng 163,62 triệu hành khách/năm (bao gồm hành khách đi suốt Bắc-Nam và hành khách đi trên các khu đoạn) và 65,48 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuy nhiên, kiểm toán lại năng lực vận tải cho thấy tổng năng lực vận tải hành khách đạt 154,96 triệu khách/năm trong đó có 26,72 triệu khách đi suốt Bắc-Nam và 128,24 triệu khách khu đoạn (chặng ngắn). Năng lực vận tải hàng hóa đạt 57,81 triệu tấn/năm trong đó bao gồm 0,87 triệu tấn hàng nhanh và 56,94 triệu tấn hàng container.
Phương án 3: Tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn. Tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD
Năng lực đáp ứng theo phương án này: Đối với vận chuyển hành khách khoảng 133,5 triệu hành khách/năm (tàu suốt Bắc-Nam), khoảng 106,8 triệu hành khách/năm (tàu khách khu đoạn); vận chuyển hàng hóa khoảng 21,5 triệu tấn/năm đối với đường sắt tốc độ cao và 18,5 triệu tấn hàng hóa/năm đối với tuyến đường sắt hiện hữu.
Một tuyến đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản. |
Ngoài 3 phương án này, Bộ Giao thông vận tải từng yêu cầu nghiên cứu xem xét kịch bản xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, khai thác chung khách và hàng ở dải tốc độ từ 160 đến dưới 200km/giờ và nâng cấp, khai thác tối đa tuyến đường đơn hiện có để vận tải hàng hóa và hành khách địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kịch bản này có chi phí đầu tư và khai thác lớn, không có khả năng thu hút nhu cầu vận tải nên hiệu quả không cao, khai thác hỗn hợp tàu hàng và tàu khách cùng khung giờ nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Việc nâng cấp để khai thác với tốc độ 350km/giờ trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế, kỹ thuật.
Theo liên danh tư vấn, tốc độ thiết kế 250km/giờ chỉ mới qua ngưỡng tốc độ cao, đã phát triển cách đây khoảng gần 50 năm; tốc độ thiết kế 350km/giờ và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới do mở rộng hơn phạm vi khai thác hiệu quả.
Với tốc độ 350km/giờ, hiệu quả cao ở cự ly đến 800km/giờ, tương đương đoạn Hà Nội - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, mang lại lợi ích lớn hơn về kinh tế-xã hội, phù hợp với hành lang dài, tập trung nhiều đô thị lớn với mật độ dân số cao như hành lang Bắc-Nam của nước ta
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/giờ cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng thế giới, phát huy hiệu quả.
Cụ thể, kiến nghị lựa chọn Phương án 3: Tốc độ thiết kế 350 km/giờ; tổng chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đối với tuyến đường sắt hiện hữu, cần tiếp tục cải tạo, nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch chặng ngắn và được triển khai theo dự án riêng.
Theo qdnd.vn