.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2024:

Nhiều hoạt động thiết thực dành cho các em

Cập nhật: 10:34, 01/11/2024 (GMT+7)

Trên cơ sở Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030; Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang năm 2024 với 4 mục tiêu và 24 chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và đảm bảo quyền tham gia của trẻ em.

VÌ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ EM

Để đạt mục tiêu đề ra, Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang năm 2024 quyết tâm thực hiện đạt và vượt 24 chỉ tiêu cơ bản. Trong nhóm mục tiêu về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em, phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 90%; tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 92%; giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh/1.000 trẻ đẻ sống còn dưới 3,90‰; giảm tỷ suất chết của trẻ em dưới 01 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống dưới mức 9,2‰; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống dưới 10,7‰; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi thấp hơn hoặc bằng 7,6%.

Tỉnh giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi xuống dưới 9,2% và giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở nông thôn bị béo phì xuống dưới 1% và tỷ lệ này ở thành thị là 2%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt trên 96%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96%; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới mức 2%; đảm bảo 100%  cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh.

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu 100% trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội.  								                                                   Ảnh: LẬP ĐỨC
Tỉnh Tiền Giang phấn đấu 100% trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội. Ảnh: LẬP ĐỨC

Đối với mục tiêu bảo vệ trẻ em có 7 chỉ tiêu, trong đó Tiền Giang phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,4%; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại xuống dưới 0,5% trong tổng số trẻ em; giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống dưới 1%; giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống mức 500/100.000; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống 2/100.000; 99% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời; xóa bỏ tình trạng tảo hôn lứa tuổi dưới 16 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo 100% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh.

Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang năm 2024 nhằm hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng sự phát triển toàn diện của trẻ em về giáo dục; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em và giảm thiểu bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em.

Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và huy động toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Nhóm mục tiêu về giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em, Tiền Giang phấn đấu 100% trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội; 100% trẻ em 5 tuổi được huy động đi học mẫu giáo; 100% trẻ em hoàn thành tiểu học và không xảy ra tình trạng bỏ học ở bậc tiểu học; 100% trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở và giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở xuống dưới 0,5%; trừ bậc học mầm non và tiểu học thì 100% trường học các bậc còn lại có bố trí phòng tư vấn (dịch vụ hỗ trợ) tâm lý trẻ em.

100% trường có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh là trẻ em khuyết tật; tỷ lệ trẻ khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 92,5% và 98,8% các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em.

Ở nhóm mục tiêu vệ sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em có 3 chỉ tiêu cơ bản là trên 40% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 88% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em; tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 39%.

TỔ CHỨC NHIỀU HOẠT ĐỘNG VÌ TRẺ EM

Để hoàn thành các chỉ tiêu và đạt mục tiêu đề ra của năm 2024, Tiền Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động vì trẻ em. Cụ thể, tỉnh thực hiện truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em như Luật Trẻ em năm 2016 và các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Quyết định 1863 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết 21 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị 28 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; các thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến trẻ em… 

Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng cho học sinh vượt khó.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao học bổng cho học sinh vượt khó.

Song song đó, tỉnh chú trọng truyền thông vì trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại trường học, cộng đồng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; bạo lực học đường, tai nạn thương tích trẻ em...

Để hoạt động vì trẻ em được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ, đạt kết quả tốt, Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh đã có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được giao nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh. Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Tiền Giang năm 2024.

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai, thực hiện và báo cáo các chỉ tiêu về giáo dục; đồng thời xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng Mô hình “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, Câu lạc bộ Quyền trẻ em...; phối hợp tổ chức phổ cập bơi cho học sinh tiểu học tại các trường học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tăng cường các chương trình giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính cho học sinh; Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh thực hiện can thiệp sớm, phục hồi chức năng.

Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sở Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai, thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em; kiến thức về chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời.

Sở có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cung cấp gói dịch vụ điều trị và chăm sóc cơ bản dành cho trẻ em nhiễm HIV và trẻ em phơi nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm HIV...; hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức em tại cộng đồng; hướng dẫn các dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi và công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai, thực hiện tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử trong gia đình và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, gắn với tiêu chí xây dựng “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em và lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”. Tăng cường các điểm sinh hoạt, vui chơi, triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 đã được phát động và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 đã được phát động và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh yêu cầu các đơn vị này xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em năm 2024 của địa phương. Thực hiện kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp hoặc nhóm Thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã; đồng thời bố trí cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong số các công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã; bố trí ngân sách thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình hành động vì trẻ em; mô hình về trẻ em; tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; tổ chức tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, có giải pháp cụ thể trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, hỗ trợ can thiệp kịp thời đối với các trẻ em bị xâm hại và chỉ đạo kiên quyết xử lý các tội phạm gây bạo lực và xâm hại trẻ em.

Hội đồng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương triển khai tốt việc thu thập thông tin số liệu trẻ em và cập nhật số liệu trẻ em vào phần mềm quản lý. Cập nhật số liệu 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tăng cường công tác kiểm tra về công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em trên địa bản, nhất là công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

MAI HÀ

 

.
.
.