(ABO) Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tiễn tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành động, khơi dậy ý chí, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, cận nghèo.
|
Xã Bình Phục Nhứt với nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. |
HỖ TRỢ ĐÚNG NHU CẦU, ĐỐI TƯỢNG
Là xã nông nghiệp, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, chính vì vậy, Bình Phục Nhứt tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trọng tâm là vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của xã như trồng lúa chất lượng cao, cây màu dưới chân ruộng, chăn nuôi gà, bò thịt… Xã Bình Phục Nhứt đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và phát triển các mô hình kinh tế. Từ đó, giúp nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo của xã có điều kiện tăng thu nhập, nâng cao mức sống, nhất là các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo của xã.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Bình Phục Nhứt đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, bảo đảm cho người dân có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, Đảng ủy, UBND xã còn quan tâm hỗ trợ các hộ gặp khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2024 đến nay, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất… cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, xã còn tiến hành vận động quỹ và xây mới nhà ở cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở (trị giá 50 triệu đồng/căn).
|
Xã Bình Phục Nhứt luôn quan tâm hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở. |
Vừa được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, ông Trần Văn Hùng, ngụ ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhà ở thì xuống cấp, dành dụm mãi mà cũng không không đủ tiền cất được căn nhà vững chắc để ở. May nhờ chính quyền địa phương đứng ra kêu gọi, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình tôi cất căn nhà khang trang. Có chỗ ở ổn định, gia đình tôi rất biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ này của chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và sẽ cố gắng lao động, sản xuất để cuộc sống ngày càng khấm khá hơn".
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, chất lượng cuộc sống của người dân xã Bình Phục Nhứt đã được cải thiện đáng kể. Hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,1%, tăng 10,7% so với năm 2019. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 78,4%, qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 37,7%; tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực đạt 39,96%. Thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2024 khoảng 72,53 triệu đồng/người, tăng 26,4 triệu đồng so với năm 2019. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 2,31% năm 2019 còn 1,32% năm 2024.
HƯỚNG ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, xã Bình Phục Nhứt đều rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo, cận nghèo để có sự giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn như hộ nào gặp khó khăn về nhà ở thì giúp đỡ xây dựng, sửa chữa nhà; hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tư vấn đi lao động ở nước ngoài; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Hằng năm, xã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, khai thác thế mạnh kinh tế địa phương.
Không chỉ giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động ngay tại địa phương, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã Bình Phục Nhứt giao các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên đến làm việc ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế hoặc đi lao động ở nước ngoài. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, giúp các gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt Võ Thành Hiệp cho biết: Trong công tác rà soát hộ nghèo, xã luôn bảo đảm khách quan, đúng đối tượng. Trên cơ sở đó sẽ phân loại và tìm nguyên nhân chưa thể thoát nghèo của từng hộ để có giải pháp hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, kiến thức... Trong đó, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác; khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất ở từng xóm, ấp bảo đảm đúng nhu cầu, đối tượng.
|
Xã Bình Phục Nhứt tổ chức khám, chữa bệnh và trao quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn. |
“Cùng với nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông, sách, báo, tạp chí, Internet... để người dân trong xã học hỏi thêm kinh nghiệm áp dụng trong lao động sản xuất thì các tờ rơi, tờ gấp về công tác giảm nghèo cũng được phát rộng rãi đến người dân. Với nhiều hình thức tuyên truyền như thế, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, đầy đủ đến cán bộ, người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Điều đáng mừng là không ít hộ nghèo, cận nghèo đã có ý thức chủ động, tự lực vượt khó, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội”, đồng chí Võ Thành Hiệp cho biết.
L.PHƯƠNG - T.H
.