Thứ Tư, 13/11/2024, 14:08 (GMT+7)
.

Để gia đình mãi là tổ ấm

Những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác gia đình (CTGĐ) và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) luôn được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo sâu sát của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Theo đó, nhiều giải pháp, mô hình mới, cách làm hay được thực hiện.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC

Đảng, Nhà nước ta xác định, gia đình là tế bào của xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc.

Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), công tác gia đình và dân số tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Ban chỉ đạo tỉnh), thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tham mưu lãnh đạo tỉnh nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện CTGĐ.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của gia đình như: Sở VHTT&DL tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và PCBLGĐ tỉnh Tiền Giang; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới gắn với PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hạnh phúc gia đình trẻ”…

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến trao giải Nhất cho Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp Phú Mỹ, xã Phú Quý, TX. Cai Lậy tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Tiền Giang năm 2024.                                                                    						                                                                                                          Ảnh: P.V
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến trao giải Nhất cho Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp Phú Mỹ, xã Phú Quý, TX. Cai Lậy tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và PCBLGĐ tỉnh Tiền Giang năm 2024. Ảnh: P.V

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung CTGĐ và PCBLGĐ vào các chương trình, hoạt động đặc thù của ngành, của địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến CTGĐ và PCBLGĐ đến các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới.... Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở chuyên mục, Báo Ấp Bắc mở chuyên trang, đưa tin, bài tuyên truyền, giới thiệu các gương gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, những mô hình mới, cách làm hay trong PCBLGĐ…

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể xây dựng, duy trì hoạt động các mô hình, câu lạc bộ (CLB) như: CLB Gia đình hạnh phúc bền vững; Đội PCBLGĐ; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… duy trì sinh hoạt tháng, quý, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức nhân dân và cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình.

Để nâng cao nhận thức người dân trong gìn giữ gia đình hạnh phúc, hằng năm, hưởng ứng các Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ theo chủ đề hằng năm, tại Tiền Giang, Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác gia đình và dân số từ tỉnh đến cấp cơ sở tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Họp mặt, tọa đàm, hội thi văn nghệ, thi nấu ăn, thi tâm đầu ý hợp, gia đình vui khỏe…

Tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến đường, các khu trung tâm, các trường học, các điểm sinh hoạt công cộng; tuyên truyền trên sóng đài truyền thanh huyện, xã các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật về gia đình.…

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy Đồng Thị Mười cho biết, trên địa bàn huyện Cai Lậy có trên 122 CLB “Gia đình phát triển bền vững”, 122 Đội PCBLGĐ và 30 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 5 Tổ an toàn phụ nữ và trẻ em… Các mô hình duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi quý, với nhiều hình thức, nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng như: Sinh hoạt chuyên đề, hỏi đáp, hái hoa dân chủ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi và giao lưu giữa các CLB trên địa bàn với nhau, về các văn bản, luật có liên quan đến gia đình, kỹ năng ứng xử văn hóa trong gia đình,… và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ đó, các tệ nạn về xã hội và BLGĐ được kéo giảm, những giá trị nhân văn trong các gia đình như: Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được tôn trọng và đề cao. Năm 2014, có 31 vụ vị phạm BLGĐ, đến năm 2018 giảm còn 10 vụ vi phạm BLGĐ, từ năm 2019 đến nay không có trường hợp vi phạm BLGĐ.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành, toàn huyện có 72 CLB gia đình phát triển bền vững và 23 Đội PCBLGĐ, 23 Địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đều đã được xây dựng quy chế hoạt động, tiếp nhận nạn nhân bị BLGĐ, hỗ trợ tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để hỗ trợ và có biện pháp xử lý phù hợp. Với những hoạt động thiết thực của các mô hình, nhiều gia đình đã có những chuyển biến tích cực như chịu khó buôn bán làm ăn, ổn định được cuộc sống gia đình. Nếu như năm 2014, toàn huyện có 12 vụ BLGĐ, thì đến năm 2022, toàn huyện chỉ có 1 trường hợp và đến nay không có tin báo xảy ra tình trạng BLGĐ.

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những kết quả tích cực từ CTGĐ, công tác PCBLGĐ vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó, chủ yếu là kinh phí đầu tư cho công tác này từ cấp huyện đến cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, ở một số địa phương chưa coi trọng CTGĐ, tuyên truyền còn mang tính hình thức, chung chung, chưa có sự đầu tư đổi mới, nội dung chưa cụ thể, chưa phù hợp với từng loại hình gia đình và hiệu quả chưa cao. Cán bộ làm CTGĐ, nhất là ở cơ sở còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác tập huấn các kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên làm CTGĐ chưa thường xuyên.

Một tiết mục tham gia Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Tiền Giang năm 2024.                                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: P.V
Một tiết mục tham gia Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và PCBLGĐ tỉnh Tiền Giang năm 2024. Ảnh: P.V

Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương tập trung triển khai, quán triệt các nội dung của chủ trương liên quan đến CTGĐ, PCBLGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, khơi dậy trách nhiệm xã hội trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTGĐ từ tỉnh tới cơ sở, kiểm tra, giám sát và tổ chức các hoạt động liên ngành về CTGĐ, công tác bình đẳng giới, công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tăng cường bố trí nguồn lực thực hiện về CTGĐ, PCBLGĐ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ làm CTGĐ, PCBLGĐ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, thực hiện và kỹ năng tư vấn, giải quyết những vấn đề có liên quan đến gia đình tại cơ sở. Chú trọng kịp thời biểu dương, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong CTGĐ, PCBLGĐ để tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

QUẾ ANH - T.H

 

.
.
.