.

"Địa chỉ tin cậy cộng đồng" - Nơi không còn bạo lực gia đình

Cập nhật: 13:04, 15/11/2024 (GMT+7)

Phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ của toàn xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 563 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” (ĐCTCCĐ), “Nhà tạm lánh”(NTL) hoạt động hiệu quả. Mỗi địa chỉ là một mái nhà an toàn, “tấm lá chắn” bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế được an toàn.

“ĐCTCCĐ” hay “NTL” tại cộng đồng được hiểu là nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), bạo lực trên cơ sở giới. Với mục đích đó, mô hình “ĐCTCCĐ” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được triển khai thực hiện nhiều năm qua, mang lại hiệu quả thiết thực.

563 “ĐCTCCĐ”

Từ những mô hình điểm ban đầu có hiệu quả thiết thực đã tạo sự lan tỏa về thực hiện phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Nhiều ĐCTCCĐ đã được nhân rộng, thành lập mới. Công tác này được các cấp Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống. Các địa chỉ này đặt tại nhà văn hóa, trụ sở ấp văn hóa, trạm y tế xã, trụ sở Công an xã (nơi thường xuyên có người trực và có khả năng bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực).

Trao hỗ trợ trang thiết bị hoạt động mô hình “ĐCTCCĐ” của xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây.
Trao hỗ trợ trang thiết bị hoạt động mô hình “ĐCTCCĐ” của xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây.

Nội dung hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, bảo đảm an toàn cho nạn nhân và bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân (nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em). Khi đến đây, nạn nhân được chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa; đồng thời được tuyên truyền nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống BLGĐ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Được đặt tại trụ sở ấp văn hóa Tân Bình 2A, “ĐCTCCĐ” của xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo được trang bị đầy đủ những vật dụng đảm bảo cho nạn nhân bị bạo lực đến tạm lánh khi xảy ra sự việc. Hơn 5 năm qua, kể từ khi có ngôi nhà đặc biệt này đặt tại địa phương, nhiều người dân trên địa bàn xã Tân Thuận Bình cũng như huyện Chợ Gạo đã đánh giá cao về hiệu quả thiết thực từ mô hình mang lại.

Bởi lẽ, đây vừa là nơi tạm lánh an toàn, vừa là nơi thực hiện công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn với các hình thức phù hợp; khuyến khích sự lên án của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Thuận Bình Đặng Thị Thúy Trang cho biết: Ban Chủ nhiệm bao gồm những người có uy tín, các hội, đoàn thể xã, ấp. Từ khi thành lập đến nay, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ.

Nhiều người dân, trong đó có chị em phụ nữ mạnh dạn, cởi mở hơn khi chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến gia đình xảy ra mâu thuẫn, bất hòa và được Ban Chủ nhiệm tư vấn, giúp đỡ. Từ đó, nhiều cặp vợ chồng hiểu được vấn đề, không xảy đổ vỡ trong hôn nhân. Đến nay, tình trạng BLGĐ trên địa bàn xã không xảy ra nghiêm trọng.

Qua thời gian triển khai hoạt động, mô hình “ĐCTCCĐ” hoạt động đúng với ý nghĩa tên gọi và đã tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực tạm lánh, động viên tinh thần, hướng dẫn chị em các kiến thức và kỹ năng phòng, chống BLGĐ, hỗ trợ vay vốn sản xuất, giới thiệu việc làm.

Mô hình đã khẳng định sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi BLGĐ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo có 100% xã, thị trấn đều có bố trí một “ĐCTCCĐ”, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chợ Gạo Lê Văn Chất cho biết: “ĐCTCCĐ” không chỉ là nơi tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực khỏi đối tượng gây bạo lực, mà còn là nơi thực hiện chăm sóc y tế ban đầu, sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ; trong trường hợp bị thương nặng thì hỗ trợ nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Vào những ngày đầu thành lập, hoạt động của mô hình gặp không ít khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của các gia đình, nhất là những ông chồng có hành vi bạo hành. Nhưng bằng sự kiên trì tư vấn, thuyết phục, mọi người đã dần tin tưởng, nhiều cặp vợ chồng đã hàn gắn, thuận hòa…

Được đặt tại Nhà văn hóa xã, “ĐCTCCĐ” xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước đảm sự an toàn cho người bị bạo lực khi đến tạm lánh. Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, ở địa phương đã xảy ra một số vụ BLGĐ, tôi và các thành viên dành thời gian lắng nghe và chia sẻ. Nhờ tư vấn thấu đáo mà nhiều người đã tự sửa sai, nhiều đôi “gương vỡ lại lành”.

Vài năm gần đây không có vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra. Ban Chủ nhiệm thường xuyên chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức về giáo dục làm cha mẹ, cách chăm sóc, giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, các kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình…

Nhiều chị em cho rằng: Nhờ có “ĐCTCCĐ” mà những người phụ nữ, đặc biệt là chị em bị bạo hành gia đình có nơi để bày tỏ, chia sẻ, mạnh dạn đấu tranh cho quyền lợi của mình. Qua sự tư vấn của hội viên, phụ nữ, những người chồng hiểu biết hơn, từ đó nhận ra sai trái của mình để cuộc sống vợ chồng hòa thuận.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH “ĐCTCCĐ”

Thành viên của mô hình “ĐCTCCĐ” là những cá nhân có uy tín trong cộng đồng gồm: Trưởng Công an, Hội Phụ nữ, cán bộ tư pháp, văn hóa, trưởng ấp... và Hội Phụ nữ cơ sở chịu trách nhiệm chính trong hoạt động. Các “ĐCTCCĐ” đã đẩy mạnh việc huy động sự tham gia tích cực, tăng dần về số lượng nam giới vào các hoạt động do Hội tổ chức để tăng sự cảm thông, chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho rằng, mô hình này thu hút sự phối hợp, tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng dân cư, người có uy tín và các gia đình.

Ban Chủ nhiệm mô hình có từ 7-10 thành viên tham gia. Từ định hướng thực hiện và kinh nghiệm thực tế của các mô hình điểm trước đây, Tiền Giang đã vận dụng và đạt nhiều kết quả tích cực, nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: Nạn nhân bị BLGĐ thường là những người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ trang thiết bị ban đầu của Hội LHPN tỉnh khi thành lập mô hình...

Khắc phục những khó khăn trên và tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, Hội LHPN tỉnh thường xuyên phối hợp vận động trao một số vật dụng cần thiết gồm: Giường, tủ, bàn, ghế, nồi, bếp, chén đũa, ấm nước... Đây là những vật dụng giúp nạn nhân có điều kiện sinh hoạt, ổn định tư tưởng trong thời gian tạm lánh.

Cụ thể, tranh thủ nguồn lực từ Ban Quản lý Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang” do Chính phủ Úc (DFAT) tài trợ (gọi tắt là Dự án UN Women) đã hỗ trợ trang thiết bị hoạt động tại các xã: Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo), Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước). Mỗi địa chỉ được hỗ trợ 50 triệu đồng để trang bị giường, tủ, máy lọc nước và các vật dụng sinh hoạt cần thiết…

Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội phụ nữ đã phát hiện và tham gia giải quyết 23 vụ xâm hại, bạo lực, mua bán người đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra tại địa phương, hỗ trợ 23 nạn nhân tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.

Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội Phụ nữ còn phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền nâng cao kiến thức cho thành viên mô hình và tuyên truyền viên nòng cốt tại địa phương. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh ký thỏa thuận hợp tác với Pacific Links Foundation (Tổ chức Vòng tay Thái Bình) triển khai thực hiện Dự án “Vì sự phát triển của nữ công nhân 2” (EMMI 2) với nhiều hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức và kỹ năng về tìm việc làm, di cư an toàn, phòng tránh các nguy cơ mua bán người, cưỡng bức lao động cho nữ công nhân, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.

P. MAI - T.H

.
.
.