Thứ Năm, 21/11/2024, 23:02 (GMT+7)
.

Nhịp sống mùa nước nổi

 

Rằm tháng 10, con nước lớn cuối cùng của mùa nước nổi miền Tây. Ngư dân sống nương theo con nước dần bước vào những ngày đánh bắt cuối mùa. Năm nay, nước không lớn song cũng không phải lũ cạn, ngư dân có một mùa thu hoạch đủ sống. Một số chuyển từ đánh bắt trên cánh đồng lũ xuống dưới kênh, sông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhiều năm để bắt cá, tôm.

Mùa lũ miền Tây thường kéo dài 3-4 tháng, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, dâng chậm từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và đổ dần ra biển. Mùa lũ mang theo tôm cá cho ngư dân đánh bắt, lại gột rửa đồng ruộng cho bà con nông dân giúp diệt trừ cỏ dại, mầm bệnh, chuột. Với người miền Tây, mùa lũ là mùa mưu sinh theo con nước khi đồng ruộng, hoa màu nhường chỗ cho con nước tràn đồng.

Nước bắt đầu rút, nhiều cánh đồng nước cạn hơn, người lớn và trẻ nhỏ dẫn nhau ra sau nhà tắm đồng, nô đùa với nhau. Một số phụ huynh cũng tranh thủ tập bơi cho trẻ em trong nhà.

a
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang biến tấu vó thành loại có thể di động khi đặt chúng trên ghe, dùng động cơ đẩy phía sau. Ngư cụ mới này dùng săn cá linh từ cánh đồng ra sông chuẩn bị bơi về thượng nguồn sông Mekong. Lúc này cá to bằng cổ tay, xương đã cứng. Trung bình, mỗi lần cất vó thu được vài kg cá, bán 30.000 – 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chủ ghe trả công cho lao động 400.000-500.000 đồng

Nhóm nông dân ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp ngâm mình nhiều giờ dưới nước để cắt năn - loại cỏ mọc tự nhiên trên các cánh đồng trũng phèn, thu nhập 300.000 đồng mỗi ngày.

Năn không cần chăm sóc, sinh trưởng mạnh ở những cánh đồng bị phèn. Nông dân hùn tiền thuê lại những thửa ruộng có năn mọc tự nhiên, cắt bán dần. Trung bình 3-4 tháng, năn mọc dài 1,2m, nông dân sẽ thu hoạch một lần.

Anh Nguyễn Mai Tài cho biết, cắt năn phải nhanh và khéo léo để lưỡi hái không cắt vào tay hoặc bị năn cứa đứt tay. Người cắt cũng phải quen dầm nước nhiều giờ, quen với cái lạnh và thân thể khỏe mạnh để làm từ ngày này qua ngày khác.

Gia đình ông Đoàn Văn Đông, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chuyển 7.000 m2 đất ruộng để trồng bông súng đồng - một đặc sản mùa nước. Bông súng cho hoa quanh năm. Mỗi đợt thu bông, ông cùng vợ nhổ được 200kg, bán với giá 5.000 - 7.000 đồng mỗi kg. Trung bình hai ngày sẽ hái một đợt, tức mỗi tháng ông có thu nhập 15-20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Việc chủ động trồng, nuôi các loại đặc sản mùa nước đang là mô hình mới ở vùng biên Đồng Tháp, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

a
Cánh đồng nước vùng biên, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Ngư dân kéo trứng nước - một loại nhuyễn thể sống trên mặt nước, dùng làm thức ăn cho cá giống. Người dân may vải thành những chiếc túi dài khoảng 10m rồi liên lục kéo trên mặt nước để gom trứng nước. Công việc khá lạ, song lại là đặc thù ở các vùng có nhiều ao, bè nuôi cá giống như Hồng Ngự. Giá trứng nước bán giao động từ 3000 – 4.000 đồng mỗi kg, mỗi ngày một người kéo trứng nước có thu nhập vài trăm ngàn đồng.

a
Những bẫy cá ngư dân đặt trên đồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang

Mùa nước cũng là mùa sinh sản của nhiều loài chim như cò ốc, nhan điển, còng cọc. Chúng làm tổ trên cây tràm ở rừng tràm Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mùa nước vốn có nhiều tôm, cua, cá là thức ăn khoái khẩu của các loài chim. Sinh sản vào mùa nước cũng là bản năng của chúng bởi khi đó nguồn thức ăn dồi dào, đủ cung cấp cho quá trình ấp trứng và chăm sóc con non.

a
Chợ Thường Thới, huyện Hồng Ngự - chợ đầu nguồn ở vùng biên tỉnh Đồng Tháp, buôn bán nhiều loại đặc sản mùa nước nổi như cá linh, cá thiểu, hến

Bà Nguyễn Thị Út, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cùng con trai đi đặt lợp tôm ven sông Cổ Chiên. Trung bình mỗi ngày, gia đình ngư dân này kiếm được vài trăm ngàn đồng.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.