Thứ Ba, 12/11/2024, 16:45 (GMT+7)
.

Phủ sóng 4G ở Việt Nam đã tiệm cận các nước phát triển

Hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển hạ tầng số, đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn ngày 12/11.

a
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Chu Thị Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN

Tháng 6/2025 sẽ phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng

Tham gia chất vấn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu rõ, vấn đề phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu, vùng xa đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh qua nhiều kỳ họp. Tuy nhiên, đến nay còn 721 thôn chưa có băng thông di động, trong đó có 124 thôn chưa có điện. Việc phủ sóng các thôn đã có điện cần có sự hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Để sử dụng được Quỹ này cần có Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân của sự chẫm trễ này cũng như phương án phân bổ nguồn Quỹ này như thế nào?

Có cùng mối quan tâm về hạ tầng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết trong tổng số 761 thôn chưa có sóng di động, số liệu tính đến tháng 9/2024 thì có đến 637 thôn có điện nhưng vẫn chưa có sóng. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và đến bao giờ các thôn mới có sóng di động để người dân giảm bớt khó khăn?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, chúng ta mới phát hiện ra khá nhiều vùng lõm sóng viễn thông. Bởi lúc đấy, chỉ còn mỗi cách là làm việc, học trực tuyến. Gần đây, khi chúng ta chuyển lên môi trường số nhiều hơn, mua bán thương mại điện tử, làm việc thì mới chú ý nhiều hơn đến vùng lõm sóng.

Trong giai đoạn COVID-19, mặc dù chưa có Nghị định mới, chúng ta đã bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép và đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản lõm sóng; hơn 700 vùng lõm sóng mới gần đây phát hiện. Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình thời gian tới chắc sẽ còn phát hiện thêm.

Với hơn 700 vùng lõm sóng này, để phủ sóng viễn thông thì cần phải tuân theo quy định của Luật Viễn thông mới và Nghị định mới. Đến nay, Nghị định chưa được ban hành, chậm trễ do nhiều nguyên nhân, song Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân về việc này. Theo Bộ trưởng, Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông theo kế hoạch phải ban hành đúng ngày 1/7/2024. Bộ Thông tin và Truyền thông đang cố gắng để trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm nay.

Thông tin thêm về Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị định sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn rất nhiều để xây dựng các trạm phủ sóng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây, cơ chế cũ là trong vòng mười mấy năm không làm được hỗ trợ hạ tầng phủ sóng viễn thông. Cho nên, khi Nghị định mới ban hành, chuyện phủ sóng viễn thông sẽ được diễn ra rất nhanh.

Đối với những trạm phủ sóng viễn thông ở khu vực chưa có điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực song tiến độ chưa thể nhanh và hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tính thêm phương thức phủ sóng qua vệ tinh. “Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi mà chúng ta không thể phủ sóng bằng di động mặt đất được hoặc không hiệu quả, khó triển khai. Đây cũng là một giải pháp để phủ sóng hầu hết được các cụm dân cư, thôn, bản lõm sóng hiện nay”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: tháng 6/2025 sẽ phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng. Và đây là mục tiêu và cũng là lời hứa của Bộ trưởng. “Bộ rất cương quyết, bởi không có sóng viễn thông lúc này là ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, vì gần như toàn bộ cuộc sống chúng ta đã chuyển lên môi trường số”, Bộ trưởng khẳng định và thông tin thêm, hiện nay đã phủ sóng 4G đến 99% dân số Việt Nam, tiệm cận các nước phát triển ở mức 99,4%.

a
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết, theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, internet tăng trưởng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp ở nước ta đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số. Tuy nhiên, việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân hiện nay chưa nhiều, có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực, các vùng miền, trong đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lại càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ có chính sách gì để hỗ trợ người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng, miền trong cả nước.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đối với vấn đề phủ sóng internet, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn về vấn đề này. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng. Theo Bộ trưởng, trong năm nay, khi Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông được ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình Sóng và máy tính cho em để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng.

Sẽ thực hiện kiên cố hóa hạ tầng viễn thông ở khu vực miền Bắc

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết hiện nay hạ tầng viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất khó khăn, hạn chế; nhiều khu vực còn chưa tiếp cận được sóng viễn thông, trong khi đó, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khi việc tắt sóng mạng 2G. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chiến lược dài hạn về vấn đề này và đặc biệt giải pháp toàn diện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi hạ tầng viễn thông bị phá hủy nặng nề. Điển hình như sau cơn bão số 3, hạ tầng viễn thông của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết khi tắt sóng 2G có hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất, khi người dân sử dụng máy điện thoại 2G thì ai sẽ đưa cho người dân máy 4G? Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải bù, phải là người đưa cho người dân máy 4G. Theo Bộ trưởng, ở các nước cắt sóng công nghệ viễn thông cũ khi trong dân số chỉ còn 2% sử dụng, và các nhà mạng phải hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho nhóm dân số này. Tuy nhiên, ở Việt Nam do công bố sớm, làm truyền thông tốt, các nhà mạng cũng cố gắng thực hiện việc chuyển đổi, đến thời điểm cắt sóng theo kế hoạch là ngày 15/10/2024 thì chỉ còn 0,2% người dùng công nghệ 2G (khoảng 200.000 thiết bị) nên việc cắt sóng 2G diễn ra thuận lợi.

Câu chuyện thứ hai là công nghệ mới có phủ sóng bằng công nghệ cũ không? Theo Bộ trưởng, hiện nay công nghệ 3G, 4G đã phủ sóng tương đương công nghệ 2G.

Về đề xuất của đại biểu liên quan đến kiên cố hóa các hạ tầng viễn thông để chống chọi trước thiên tai, Bộ trưởng cho biết các khu vực như miền Trung phải chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo để kiên cố hóa hạ tầng viễn thông ở khu vực miền Trung, đủ sức chống chọi lại bão cấp 11, lũ lớn, đảm bảo tối thiểu trạm viễn thông ở trung tâm huyện, xã ổn định, để cho chính quyền điều hành chống thiên tai. Tuy nhiên, trong khi đầu tư kiên cố hạ tầng viễn thông ở miền Trung, khu vực miền Bắc lại chưa được kiên cố nên khi xảy ra bão số 3 làm gián đoạn liên lạc.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sắp tới Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện việc kiên cố hóa hạ tầng viễn thông ở các tỉnh, thành phố phía Bắc trên cơ sở kinh nghiệm làm ở khu vực miền Trung.

Rà soát thông tư để tối ưu hóa việc ngầm hóa hạ tầng viễn thông

a
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Huế đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu rõ, thực tế hiện nay, việc không đồng bộ trong xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện nước, viễn thông dẫn đến tình trạng đào lên, lấp lại, lại đào, lại lấp, việc ai nấy làm, gây lãng phí và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu khi hiện nay việc ngầm hóa cáp viễn thông chưa đồng bộ với ngành giao thông, điện, nước, chiếu sáng. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tư hướng dẫn việc quy hoạch ngầm hóa cáp viễn thông, giao cho các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương phối hợp với các ngành liên quan để lập kế hoạch, quy hoạch để tránh việc “đào lên, hạ xuống”. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rất mạnh mẽ việc quy hoạch, trong đó có quy hoạch hạ tầng đồng bộ và điều này đang có sự chuyển biến. Song, Bộ trưởng cũng thừa nhận: là chưa thể đạt được yêu cầu như mong muốn.

Bộ trưởng cũng cho biết tới đây sẽ rà soát lại Thông tư và trao đổi với các bộ, ngành để tối ưu việc ngầm hóa hạ tầng, đảm bảo giảm chi phí, cũng như tránh bất tiện cho người dân.

a
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc tranh luận. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông có đề cập đến việc các doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn khi thực hiện thuê vị trí lắp đặt các trạm thu phát sóng. Tuy nhiên, cử tri phản ánh về việc các doanh nghiệp này đặt quá nhiều trạm thu phát sóng trong các khu dân cư, gây hư hỏng các thiết bị điện tử trong gia đình các hộ dân, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ Bộ đã có đánh giá tác động như thế nào về vấn đề này và giải pháp quản lý trong thời gian tới? Làm sao để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người dân?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, riêng về viễn thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật đều được quốc tế hóa. Chúng ta cũng dùng các tiêu chuẩn như các quốc gia trên thế giới với các quy định rất rõ về việc phát sóng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Khi một trạm được phát sóng thì phải được các đơn vị có giấy phép đến kiểm định, đạt tiêu chuẩn mới được phát sóng. Còn thiết bị nhập vào Việt Nam cũng phải đạt các tiêu chuẩn mới được nhập khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trên thực tế vẫn có thể có những sự cố ngoài ý muốn xảy ra và đề nghị đại biểu cung cấp địa chỉ cụ thể khu vực nào có trạm viễn thông làm ảnh hưởng đến người dân. Nếu có những biểu hiện thiết bị điện tử của người dân bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì Bộ sẽ tổ chức đoàn vào kiểm tra tận nơi.

Theo TTXVN

 

.
.
Cho thuê xe 16 chỗ Quy Nhơn giá rẻ Gói ST90N của Viettel tại vietteldata.vn
.