Thứ Tư, 13/11/2024, 09:16 (GMT+7)
.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ có tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau. Thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho thúc đẩy BĐG trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xác định BĐG vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng luôn quan tâm tới việc thực hiện thúc đẩy BĐG và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Luật BĐG và Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu cụ thể trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% lãnh đạo chủ chốt là nữ. Các cơ quan, tổ chức hoạt động về BĐG và vì sự tiến bộ của nữ giới đang từng bước được hoàn thiện.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phụ nữ về những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ ở lĩnh vực chính trị, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật BĐG và thực hiện có kết quả, bước đầu tác động tích cực đến công tác phụ nữ, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ.

Thời gian qua, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thời gian qua, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với đó, qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia tích cực vào các lĩnh vực, nhất là các công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vì thế, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nữ. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 17.440 đảng viên nữ, đạt 33,76%. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp tăng. Có 8 nữ/51 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đạt 15,6%; có 1 nữ/13 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 7,7%, ở cấp huyện tỷ lệ này là 22% và cấp cơ sở là 27,5%. Cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt trong các tổ chức chính trị - xã hội, đạt 40% cấp tỉnh; 39,4% cấp huyện và 39% cấp cơ sở.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Tiền Giang có 3 nữ/8 cán bộ là đại biểu Quốc hội, đạt 37,5%; 17 nữ/61 cán bộ là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đạt 27,87%; 114 nữ/365 cán bộ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, đạt 31,23%.

Đội ngũ cán bộ nữ, công chức, viên chức, người lao động, nữ đảng viên luôn phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động trong công tác tham mưu xây dựng chính sách, có nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả công việc, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Điều 11 Luật BĐG, BĐG trong lĩnh vực chính trị được quy định như sau: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Các biện pháp thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị bao gồm: Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về BĐG; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về BĐG.

Đạt được nhiều kết quả quan trọng, song việc phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế như: So với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thì tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ, đặc biệt cán bộ nữ đứng đầu các địa phương, đơn vị vẫn còn khiêm tốn..., vẫn còn có nơi chưa đạt tỷ lệ cán bộ nữ theo quy định…

Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội nói chung cũng như tỉnh Tiền Giang nói riêng. Để thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, trước hết, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của phụ nữ, cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 28 ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành và theo dõi chặt chẽ các kết quả thực thi cụ thể để đánh giá, giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ nữ phải không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; năng động, sáng tạo, bản lĩnh trong điều hành, lãnh đạo và có ý chí nghị lực vươn lên. Đặc biệt, để có thể trở thành những cán bộ lãnh đạo uy tín, mỗi cán bộ nữ cần sự sẻ chia và phấn đấu vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện thiên chức của mình trong gia đình để đảm đương tốt vai trò ngoài xã hội.

HỮU NGHỊ - T.H

.
.
.