Thứ Năm, 07/11/2024, 10:02 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chuyện về một xã không còn hộ nghèo

Mặc dù là xã vùng ven của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những năm qua, xã Thanh Bình đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo, xã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điều này đã giúp Thanh Bình trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Chợ Gạo không còn hộ nghèo.

Đầu năm 2022, xã Thanh Bình không còn hộ nghèo và chỉ còn 1 hộ cận nghèo. Để đạt được kết quả này, xã Thanh Bình đã nỗ lực không ngừng của tất cả các cấp, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân xã Thanh Bình vì công tác giảm nghèo bền vững.

VÌ MỤC TIÊU KHÔNG CÒN HỘ NGHÈO

Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Lê Anh Thủy cho biết, năm 2014, xã Thanh Bình là 1 trong 2 xã của huyện Chợ Gạo được chọn làm xã điểm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), lúc này tỷ lệ nghèo của xã chiếm gần 2,5%. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã quyết tâm ra sức xây dựng và đến năm 2015, Thanh Bình về đích NTM.

Thương binh Nguyễn Văn Sơn, ấp Bình Long vượt khó phát triển kinh tế.
Thương binh Nguyễn Văn Sơn, ấp Bình Long vượt khó phát triển kinh tế.

Đến năm 2020, thực hiện công tác giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thanh Bình đặc biệt xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Thanh Bình tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Để đạt được kết quả đó, công tác vận động, chăm lo giúp đỡ người nghèo nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động luôn được đổi mới, vừa vận động trực tiếp các nguồn lực, vừa hướng dẫn kết nối để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ trực tiếp cho người nghèo.

Trong đó, xã đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo như: Hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, trao tặng sinh kế, phương tiện đi lại, sản xuất cho hộ nghèo…

Trong năm 2021, khi xã Thanh Bình thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã, thông qua Trung tướng Nguyễn Việt Thành, người con của quê hương Thanh Bình cùng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh) và vận động các đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp trên 2 tỷ đồng để giúp cho toàn bộ 37 hộ nghèo, với 128 nhân khẩu lúc bấy giờ của xã.

"Để Thanh Bình trở thành “miền quê đáng sống”, xã đã chú trọng đến việc quy hoạch, đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, đảm bảo làm đến đâu đạt chuẩn NTM đến đó; xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2025. Nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, các công trình phúc lợi trên địa bàn. Những con đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa sạch đẹp, 100% các tuyến đường đã được trồng cây xanh, có hệ thống điện chiếu sáng”.

CHỦ TỊCH UBND XÃ THANH BÌNH LÊ ANH THỦY

Anh Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xã, là người đã có thâm niên hàng chục năm gắn bó với công tác giảm nghèo ở địa phương, anh Tâm luôn sâu sát cơ sở và nắm bắt thông tin đời sống kinh tế của từng hộ gia đình, biết nguyên nhân nghèo của từng hộ và từ đó đề xuất phương án thoát nghèo phù hợp.

Anh Tâm cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ, xã đã xây dựng 3 mô hình giảm nghèo. Thứ nhất, đối với những hộ không có khả năng lao động, già yếu, lớn tuổi, xã sẽ hỗ trợ gửi sổ tiết kiệm cho 12 hộ, mỗi hộ 35 triệu đồng.

Thứ hai, đối với những hộ có khả năng lao động, có điều kiện chăn nuôi thì hỗ trợ vốn để nuôi bò cho 12 hộ, mỗi hộ 35 triệu đồng. Thứ ba, đối với những hộ có điều kiện khả năng lao động mà nhà cửa còn xập xệ, chưa đảm bảo “3 cứng” thì hỗ trợ để xây dựng nhà ở và xã đã xây dựng 22 căn nhà tình thương, mỗi căn 50 triệu đồng, chia làm 2 đợt.

Mô hình “Nuôi bò sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” tại xã Thanh Bình là một trong những mô hình triển khai mang lại hiệu quả cao.

Nhiều hộ dân tham gia cho rằng, mô hình này rất phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động, công việc chăm sóc bò đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Toàn xã hiện có trên 2.200 con bò với hàng trăm hộ nuôi.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Sương là hộ cận nghèo còn lại duy nhất của xã Thanh Bình.

Được biết, chồng chị Sương bị bệnh đột quỵ mất, nhà không đất sản xuất, 2 con còn nhỏ, nên cuộc sống gia đình chị Sương hết sức khó khăn. Thấy được những khó khăn của chị Sương, xã Thanh Bình đã hỗ trợ vốn cho chị Sương mua 2 con bò để nuôi và hỗ trợ 10 triệu đồng để chị Sương có vốn nấu rượu bán. Đặc biệt, từ nguồn vận động, xã Thanh Bình đã hỗ trợ 50 triệu đồng để chị Sương có căn nhà kiên cố, an tâm phát triển kinh tế gia đình.

Nhắc tới hành trình vượt khó, quyết tâm phát triển kinh tế để “trả lại sổ hộ nghèo” của hộ chị Nguyễn Thị Tiếp, ấp Đăng Phong khiến nhiều người dân địa phương không khỏi khâm phục. Nhiều năm qua, chị Tiếp luôn gánh vác mọi việc lớn, nhỏ trong nhà.

Vợ chồng ly hôn, 3 con đang tuổi ăn học, không đất đai sản xuất, cộng thêm việc thiếu tư liệu sản xuất... nên danh sách hộ nghèo của xã luôn có tên gia đình chị. Năm 2021, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực lao động của bản thân, gia đình chị Tiếp đã thoát nghèo.

Chị Tiếp phấn khởi cho biết: “Ba năm về trước, việc thoát nghèo gia đình tưởng chừng như rất xa vời, bởi đất sản xuất ít, việc làm thuê không ổn định. Song nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò và 50 triệu đồng để xây nhà. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình.

Đến nay, đàn bò của tôi có 5 con, tận dụng đất xung quanh nhà để trồng cỏ cho bò. Đến cuối năm 2021, gia đình tôi đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để lao động sản xuất lo cho gia đình”.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Đến xã Thanh Bình vào những ngày cuối năm, những vườn thanh long xanh mướt, trĩu quả, những ngôi nhà khang trang, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp…. đã không còn là giấc mơ bao đời của người dân nơi đây.

Từ nguồn vốn được hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình chị Nguyễn Thị Tiếp  đã thoát nghèo năm 2021.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình chị Nguyễn Thị Tiếp đã thoát nghèo năm 2021.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư khang trang, từ chỗ người dân sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, tự cung, tự cấp mà người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biến tiềm năng, lợi thế thành hàng hóa, dịch vụ mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm, Đảng bộ và chính quyền xã Thanh Bình luôn ưu tiên thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sống nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Các hội, đoàn thể luôn nắm chắc tình hình đời sống của hội viên, từ đó phát hiện hộ khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Thông qua các hội, đoàn thể, người dân khó khăn về vốn được bảo lãnh vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm kinh tế; các hộ thiếu việc làm được ưu tiên giới thiệu, tạo việc làm.

Đặc biệt, người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Toàn xã hiện có trên 655 ha trồng thanh long, hơn 100 ha trồng bưởi, gần 300 ha trồng dừa và trên 65 ha cây rau màu. Ngoài đàn bò trên 2.000 con, thì người dân còn phát triển đàn heo hơn 2.000 con, đàn gia cầm trên 125.500 con; gà đẻ trứng thương phẩm 107.000 con. Trước đây, chợ ngã ba Chị Cúc (còn được gọi là chợ ngã năm Thanh Bình) chỉ có vài gian hàng.

Đến nay, chợ đã được đầu tư xây dựng với tên gọi là chợ Thanh Bình, từ đó hình thành khu chợ phát triển khá sầm uất, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong xã và các xã lân cận. Giao thông phát triển nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, từ xã Thanh Bình đi TP. Mỹ Tho và TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.

Từ đó, đời sống các hộ dân của xã không ngừng được nâng lên. Hiện tại, hộ khá, giàu của xã chiếm trên 75%; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt gần 73 triệu đồng/người/năm. Khi đời sống vật chất được cải thiện, người dân đã quan tâm, chú trọng hơn đến nâng cao chất lượng cuộc sống; 100% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 97,6%; 99% hộ dân sử dụng nước đạt chuẩn.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, thu hút đông đảo mọi lứa tuổi tham gia, với đa dạng các loại hình như: Bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, dân vũ… góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Phát huy truyền thống Xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, chính quyền, nhân dân xã Thanh Bình hôm nay đang ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

PHƯƠNG MAI - T.H

 

.
.
Ứng dụng Tiết Kiệm Nhóm
.