Thứ Hai, 11/11/2024, 10:38 (GMT+7)
.

Tiền Giang phấn đấu giảm 490 hộ nghèo trong năm 2024

Đó là mục tiêu đề ra trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 (gọi tắt là Chương trình giảm nghèo) của UBND tỉnh Tiền Giang. Để đạt mục tiêu, nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện với sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan.

THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG

Ngay từ đầu năm 2024, kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2024 được UBND tỉnh triển khai đến toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh. Đây là cơ sở để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo và cung ứng lao động đã được các đơn vị của tỉnh Tiền Giang triển khai ký kết.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo và cung ứng lao động đã được các đơn vị của tỉnh Tiền Giang triển khai ký kết.

UBND tỉnh tiếp tục khẳng định mục đích của việc thực hiện Chương trình giảm nghèo là nhằm tạo cơ hội cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.

Để đạt mục đích đề ra, Chương trình giảm nghèo đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo năm 2024.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo để từ đó có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.

UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...

Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt thì tư vấn về chính sách vay vốn hộ nghèo để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ nguồn vốn từ nguồn kinh phí Chương trình giảm nghèo. Đối với những hộ có nhu cầu về việc làm thì thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm và đặc biệt quan tâm đến việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Đối với những hộ người cao tuổi neo đơn, không còn sức lao động thì vận động các nhà hảo tâm cùng đóng góp hoặc nhận nuôi dưỡng trực tiếp, hỗ trợ hằng tháng để họ có mức sống ngang bằng mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.

ÁP DỤNG NHIỀU GIẢI PHÁP

Để công tác giảm nghèo đạt kết quả bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang  chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo. Theo đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.

Theo đó, với chính sách tín dụng ưu đãi, mục tiêu của tỉnh là đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về nguồn vốn nhằm khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo.

Đối với chính sách dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, thực hiện đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động thu nhập thấp có nhu cầu học nghề để tìm việc làm. Trong đó, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, tiền ăn, tiền đi lại cho lao động thuộc hộ nghèo học những nghề đang khuyến khích đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh; mở rộng dạy nghề định hướng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh cũng thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện các dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản và phát triển ngành nghề ở nông thôn.

Chính sách hỗ trợ về y tế, thực hiện mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo theo quy định; đối với người thuộc hộ cận nghèo, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Tỉnh cũng vận động các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; lồng ghép các chương trình y tế quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó tập trung cho người nghèo.

Chính sách hỗ trợ về giáo dục, 100% trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí theo quy định.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, mồ côi do Covid-19, vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ thông qua các hình thức, như: Trao học bổng, trao tặng “Mái ấm khuyến học”, thực hiện các chương trình tiếp sức đến trường, hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo, phương tiện đi lại...

Ngoài chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn vận động Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ thêm vốn cho hộ nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, các chương trình an sinh xã hội khác.

Tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho hộ nghèo có nhu cầu về các lĩnh vực như đất đai, nhà ở, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách, bảo hiểm, lao động việc làm…

Cùng với triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tiền Giang còn triển khai thực hiện nhiều dự án của Chương trình giảm nghèo thông qua các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Giảm nghèo thông tin…

Thông qua, việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ hộ nghèo, chính sách trợ giúp xã hội và triển khai hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững, Tiền Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vào cuối năm 2024 giảm còn 0,87% tổng hộ dân trên địa bàn.

THỦY HÀ

.
.
Web vayh5 mới
.