.

TP. Mỹ Tho: Thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ

Cập nhật: 16:18, 18/11/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều dự án tại các xã, phường, giúp người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế. Từ đó, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.

Theo đó, tại phường 4, Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của UBND TP. Mỹ Tho đã hỗ trợ trên 240 triệu đồng cho 9 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện mua bán, phát triển kinh tế.

KỊP THỜI NẮM BẮT, THIẾT THỰC HỖ TRỢ

Phường 4 nằm ngay trung tâm TP. Mỹ Tho gồm 11 khu phố, chia thành 126 tổ tự quản, với tổng hộ dân là 3.934 hộ, số nhân khẩu là 18.622. Qua tổng điều tra hộ nghèo cuối năm 2023, toàn phường có 40 hộ nghèo, 112 hộ cận nghèo. Năm 2024, phường tạo điều kiện cho 3 hộ thoát nghèo. Người dân chủ yếu sống bằng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Song song đó, phường còn một vài bộ phận dân cư đời sống còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá, trên địa bàn phường còn 28 hộ nghèo neo đơn, bệnh tật khó thoát nghèo.

Cô Trần Thị Cúc có vốn mua nguyên vật liệu, vật dụng để bán bún riêu.
Cô Trần Thị Cúc có vốn mua nguyên vật liệu, vật dụng để bán bún riêu.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo phường xác định, muốn giảm nghèo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phường quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo. Phương châm này được người dân ủng hộ, tích cực xây dựng các mô hình mua bán, sản xuất… mang lại hiệu quả.

Vì thế, để có kinh phí thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa phương đã khơi dậy và phát huy trách nhiệm cộng đồng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, huy động xã hội hóa bằng tiền và hiện vật, trực tiếp trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đặc biệt là phát huy vai trò của người dân trong việc chủ động, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phường cũng đã triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các hình thức như: Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, tìm việc làm, tư vấn việc làm…

Việc quản lý chặt chẽ, phân bổ vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng ngay từ các tổ, khu dân cư, cùng với triển khai các mô hình, dự án… đã thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại phường 4. Đồng thời, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn phường”.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND PHƯỜNG 4 HUỲNH HỮU PHÚC

Phó Chủ tịch UBND phường 4 Huỳnh Hữu Phúc cho biết: Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở phường là có khá nhiều hộ là người già neo đơn, người bị bệnh nan y, khuyết tật, người không có việc làm ổn định nuôi con ăn học… Để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, hằng năm, trên cơ sở kế hoạch giảm nghèo của tỉnh, thành phố, phường chỉ đạo các khu phố rà soát, phân loại hộ nghèo hưởng bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể thoát nghèo và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo.

Từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp, chú trọng huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây nhà, tặng quà và hỗ trợ thường xuyên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hướng dẫn các hộ được vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích…

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể phường 4 còn thành lập các tổ vay vốn theo đúng quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, quản lý chặt chẽ các tổ, tham gia bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích xin vay. Hằng tháng, phối hợp cùng tổ vay vốn họp tổ, nắm bắt tình hình thuận lợi, khó khăn của tổ, Ngân hàng Chính sách xã hội họp giao ban định kỳ hằng tháng với tổ chức hội nhận ủy thác tại điểm giao dịch, huy động tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Cụ thể, về kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hiện tại phường đang thực hiện cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội…  với tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên 24 tỷ đồng.

Trong năm 2024, phường đã vận động xây 4 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở. Sự đa dạng của các dự án đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ khó khăn tại các địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

TẠO CƠ HỘI THOÁT NGHÈO

Mưu sinh đủ nghề, nhưng đời sống kinh tế gia đình vẫn không khá lên, anh Tạ Hoàng Tiến, sinh năm 1992, ngụ khu phố 5, phường 4, quyết định chuyển đổi nghề. Sau khi tìm hiểu, lựa chọn, anh Hoàng Tiến quyết định chuyển sang bán nước giải khát.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay từ Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của UBND TP. Mỹ Tho triển khai từ năm 2024 cho 9 hộ nghèo, hộ cận nghèo của phường 4, TP. Mỹ Tho, anh Hoàng Tiến đã có vốn mua thùng đá, bàn ghế, ly, dù, máy ép cam và các vật dụng để bán nước giải khát. Anh Hoàng Tiến cho biết: “Mẹ em mất từ năm em 10 tuổi, ba em hiện tại buôn bán nhỏ ở chợ Thạnh Trị.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, anh Hoàng Tiến  có điều kiện mua vật dụng  để bán nước giải khát.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, anh Hoàng Tiến có điều kiện mua vật dụng để bán nước giải khát.

Gia đình em chỉ có căn nhà nhỏ trên đường Tết Mậu Thân. Trước đây em cũng có làm nhân viên cho một siêu thị, nhưng vì áp lực công việc nên em xin nghỉ, rồi cũng đi tìm việc nhiều nơi những công việc cũng chưa ổn định.

Sau đó, em nghĩ thử sức với việc kinh doanh nước giải khát, từ đó em bắt tay vào thiết kế menu, chọn trái cây, pha chế… Ban đầu, em chủ yếu bán cho người quen xung quanh. May mắn đến tháng 5-2024, được hỗ trợ 30 triệu đồng, em bắt đầu mở rộng việc mua bán của mình.

Hiện tại, ban ngày em bán online, chiều tối em bán tại nhà. Cũng nhờ nguồn vốn này mà em đỡ phải vay mượn để mua thêm nguyên vật liệu như: Máy ép, máy xay sinh tố… Là thanh niên trẻ khởi nghiệp nên em được lãnh đạo phường và các cô chú đề nghị làm tổ trưởng tổ vay vốn. Tổ có 9 người, trung bình 1 tháng, mỗi người sẽ góp 500 ngàn đồng tiết kiệm, sau 6 tháng sẽ trả lại 1 lần”.\


Trường hợp cô Trần Thị Cúc (sinh năm 1961) ngụ khu phố 6, ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của gia đình cô. Chật vật với miếng cơm manh áo, có lúc cô Cúc muốn buông xuôi, nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, cô đã nỗ lực vươn lên. Cô Cúc trải lòng: “Gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo, tôi phải làm thuê kiếm sống. Năm 2013, gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà tình thương.

Sau thời gian nhà bị xuống cấp, tôi tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để sửa nhà. Hiện tại, gia đình tôi là hộ cận nghèo. Chồng mất, một mình tôi vừa lo cho con vừa lo cho các cháu. Tôi rất vui mừng khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn để có điều kiện mua bán bún riêu. Hiện kinh tế gia đình tôi cũng ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Đối với cô Lê Thị Huỳnh Hoa (sinh năm 1960), khu phố 4, nhờ nguồn vốn hỗ trợ cô đã thuê mặt bằng để bán cơm tấm. Cô Hoa chia sẻ: “Cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền phường 4, của thành phố, nhờ đó gia đình tôi đã có vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, ai thuê gì tôi cũng làm, giờ tuổi cao không ai thuê nữa, có vốn mở bán cơm tấm, hằng ngày có nguồn thu nhập ổn định lo cho gia đình…”.

Trong thời gian tới, phường 4 tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, chú trọng phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, thực hiện tốt khâu bình xét để đảm bảo triển khai kịp thời các nguồn vốn vay, dự án đúng đối tượng, đúng mục đích cho hộ nghèo; quản lý, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên để các đối tượng vay vốn hoàn trả đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án trên địa bàn.

P. MAI - T. H

 

.
.
.