.

Trao sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình

Cập nhật: 21:59, 28/11/2024 (GMT+7)

Trong năm 2024, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động 35 của Huyện ủy Tân Phú Đông về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các dự án giảm nghèo được huyện đặc biệt quan tâm.

THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN GIẢM NGHÈO

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Phú Đông, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 của huyện là 7,193 tỷ đồng. UBND huyện đã ban hành Quyết định 2836 về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các đơn vị hành chính sự nghiệp và UBND các xã.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đúng khấm khá lên nhờ chăn nuôi bò.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đúng khấm khá lên nhờ chăn nuôi bò.

Theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông Thạch Tân Dân, với nguồn vốn được phân bổ, huyện đã triển khai các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tuy nhiên có 1 dự án không thực hiện được, đó là Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững do người dân thuộc hộ nghèo trên địa bàn không có nhu cầu.

Hiện huyện chỉ đang thực hiện 4 dự án giảm nghèo bền vững, trong đó có Dự án 2, chúng tôi đã đề nghị công ty thẩm định giá bò cái giống sinh sản và giá heo hậu bị sinh sản để xây dựng dự án, dự toán kinh phí để thực hiện giải ngân dự án nuôi heo cho 20 hộ tham gia, với kinh phí 584 triệu đồng; đồng thời trình UBND huyện phê duyệt 6 dự án chăn nuôi bò cho 60 hộ tham gia với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng.

Thực hiện Dự án 3, huyện triển khai 2 tiểu dự án, đó là, tiểu dự án 1 về hỗ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông đang triển khai thực hiện 1 dự án nuôi tôm và 1 dự án trồng sả, với 32 hộ tham gia, dự kiến kinh phí 960 triệu đồng; tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện đang lập dự án hỗ trợ trẻ em bị suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện, dự kiến kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng.

Đến thời điểm này đã giải ngân hơn 200 triệu đồng. Với Dự án 6, huyện Tân Phú Đông đang triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 về giảm nghèo về thông tin và Tiểu dự án 2 về truyền thông về giảm nghèo. Trong Dự án 7, huyện đã và đang thực hiện Tiểu dự án 1 về nâng cao năng lực và Tiểu dự án 2 về giám sát, đánh giá chương trình.

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI 

Huyện Tân Phú Đông xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: Hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp, cùng với các chính sách an sinh xã hội khác.

Giới thiệu về việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, đồng chí Thạch Tân Dân cho biết: “Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện có 16 thành viên, trong đó có 6 thành viên là Chủ tịch UBND các xã. Ban Đại diện Hội đồng quản trị đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của trên về thực hiện chính sách tín dụng, cho vay các chương trình ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH và UBND tỉnh giao; đồng thời bàn các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương.

Xác định đúng nguyên nhân nghèo của từng hộ, hỗ trợ kịp thời và phù hợp từ chính sách ưu đãi tín dụng, cùng các dự án giảm nghèo bền vững đã đem đến cho người dân khó khăn của huyện Tân Phú Đông cơ hội “trở mình”.

Nhiều gia đình từ nghèo túng đã vươn lên thoát nghèo, không ít hộ trở thành gia đình khá giả. Đặc biệt, sự hỗ trợ có căn cơ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp hộ nghèo thoát nghèo vững chắc, hầu như số hộ tái nghèo qua các năm đều rất ít.

Để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhận ủy thác và các cấp, các ngành nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; đồng thời thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, quản lý nợ, phòng ngừa nợ quá hạn phát sinh trong quá trình hoạt động.

Chất lượng tín dụng của 6/6 xã đều đạt loại tốt, khá, không có đơn vị trung bình hay yếu kém. Hoạt động tín dụng chính sách ủy thác qua các đoàn thể được triển khai thực hiện qua 6 điểm giao dịch xã, với 146 Tổ Tiết kiệm vay vốn, đảm bảo an toàn hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách”.

Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn vay từ Chi nhánh NHCSXH huyện Gò Công Tây đã giải ngân hơn 19 tỷ đồng cho huyện Tân Phú Đông thông qua các chương trình tín dụng như cho 10 hộ nghèo vay 678 triệu đồng, 17 hộ cận nghèo vay 1,3 tỷ đồng và 79 hộ mới thoát nghèo vay gần 6 tỷ đồng để làm vốn sản xuất, kinh doanh; kịp thời giải ngân cho 121 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay gần 2,6 tỷ đồng làm chi phí học tập. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH huyện Gò Công Tây còn cho 94 hộ vay gần 3,5 tỷ đồng giải quyết việc làm và 259 hộ vay gần 5 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường.

Nhìn chung, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể nên hiệu quả hoạt động Ban Đại diện Hội đồng quản trị và Phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn huyện Tân Phú Đông ngày càng được nâng lên. Hàng năm, thực hiện tăng trưởng tín dụng đều đạt 100% kế hoạch đề ra, đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của huyện.

Phát huy kết quả đạt được, UBND huyện và Ủy ban MTTQ huyện cùng các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch giảm nghèo bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2024. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể huyện còn tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Trong đó, huyện tập trung giám sát việc thực hiện quy trình xác định đối tượng hỗ trợ, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện. Từ đó, đề ra các phương án thoát nghèo phù hợp, giúp đỡ các hộ phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

TRAO CƠ HỘI CHO NGƯỜI NGHÈO 

Ngắm nhìn cơ ngơi là ngôi nhà kiên cố, vững chãi, hơn 5 công đất trồng sả và trồng cỏ, chuồng bò gần chục con, ông Nguyễn Văn Đúng, ngụ ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông thấy mãn nguyện và hạnh phúc, ông cho biết: “Tôi đâu nghĩ về già mình cũng có của ăn của để như hôm nay. Dù không phải là giàu có nhưng cuộc sống không phải lo nghĩ chuyện lo gạo ăn hằng ngày đã là hạnh phúc lớn lao đối với vợ chồng tôi. Trước đây, vợ chồng tôi nghèo lắm, ruộng khô, nước mặn, mỗi năm làm có 1 vụ lúa, năng suất lại thấp, bản thân tôi không có nghề nghiệp nên phải phiêu bạt đi làm thuê ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, có khi phải qua tận Đồng Tháp làm nghề bốc vác kiếm tiền nuôi gia đình”.

Năm 2018, ông Đúng được Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú ĐO6ng hỗ trợ con bò giống. Nhờ giống bò tốt, cộng với siêng năng chăm sóc và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, từ các lớp khuyến nông nên bò nhà ông lớn nhanh và sớm sinh con. Từ con bò giống ban đầu đã sinh ra cho gia đình ông 7 con bò con, những con cái thì ông tiếp tục nuôi cho sinh sản, còn bò đực thì nuôi bán bò thịt. Cứ thế, đàn bò nhà ông Đúng cứ tăng dần.

Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp rất nhiều cho người nghèo tại huyện vùng sâu, vùng xa này. Bà Phùng Thị Nhãn, hộ vừa thoát nghèo ở ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh khoe rằng: “Nhà tôi thoát nghèo rồi, được Nhà nước hỗ trợ thêm con bò giống để nuôi, nay nó đang mang thai, tôi mừng lắm. Có con bò này, vợ chồng tôi chỉ cần cắt cỏ cho nó ăn, vài tháng là có thêm thu nhập”.

Do điều kiện tự nhiên mà bò là vật nuôi phù hợp nhất cho người nghèo của các xã giáp biển của huyện Tân Phú Đông. Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện, hiện tại đàn bò của huyện Tân Phú Đông có hơn 4.200 con, khoảng 75% đàn bò này có nguồn gốc từ nguồn bò giống của các dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn.

THỦY HÀ

.
.
.