Thứ Bảy, 23/11/2024, 21:57 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy: Nhiều cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chương trình lớn luôn được Thị ủy, UBND TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trên địa bàn. Các ngành, các cấp trên địa bàn đã triển khai kịp thời, đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến hộ nghèo đúng quy định; trợ lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững.

HIỆU QUẢ TỪ CÁC MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO

Ngay từ đầu năm, từ thị xã đến các xã, phường đã chủ động xây dựng kế hoạch, trong đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp tổ chức thực hiện. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Anh Mộng thoát nghèo từ mô hình  nuôi cá kiểng.
Anh Mộng thoát nghèo từ mô hình nuôi cá kiểng.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư từng bước được cải thiện và nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các ngành quan tâm đã đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nhân dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Với Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thị xã đã giải ngân 1,7 tỷ đồng/2,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bố trí. Qua đó, đã thực hiện 11 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, có 105 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Điển hình như các dự án quy mô hộ gia đình: May túi xách, nuôi cá tai tượng thịt, nuôi heo thịt, nuôi ếch thịt, nuôi cá sinh sản, cá giống và cá kiểng; nuôi chồn hương sinh sản…

Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định thu nhập và cải thiện kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn vốn giải quyết việc làm và giảm nghèo được tăng dần hằng năm, việc xét cho vay vốn dần dần khắc phục được tình trạng cho vay không đúng đối tượng, sử dụng vốn không đúng mục đích. Từ đó, đã giúp cho các đối tượng cần vay vốn có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Cai Lậy Nguyễn Quốc Tỉnh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, doanh số cho vay hơn 92,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 60,5 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng hơn 340 tỷ đồng, gồm 7.990 hộ vay còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.

Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho hơn 617 lao động từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hỗ trợ cho 394 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh…

Nguồn vốn ưu đãi đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng, tín dụng đen, tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn, giúp người dân có thêm cơ hội tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Khuyên, Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân khu phố Mỹ An, phường Nhị Mỹ cho biết, năm 2014, nhận thấy đầu ra của cây sầu riêng khá ổn định, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ loại cây trồng này, ông quyết định chuyển 5 công đất vườn tạp sang trồng sầu riêng.

Hiện vườn sầu riêng của gia đình ông đã được 6 năm tuổi, với 100 gốc sầu riêng đang cho trái, năng suất ước đạt trên 5 tấn. Thấy có lợi nhuận từ kinh tế vườn, gia đình ông Khuyên đã mạnh dạn đầu tư thêm 2 công đất vườn để trồng chuyên canh sầu riêng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Cai Lậy.

Bằng kinh nghiệm sản xuất của mình, trong thời gian qua, ông Khuyên thường xuyên hướng dẫn cách làm cho từ 10 - 15 nông dân có nhu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng cùng nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp đỡ hộ nghèo trong phường khó khăn về vốn, cây giống. Hằng năm, có từ 5 - 10 lao động là hộ nghèo và hộ cận nghèo giúp làm công mùa vụ, góp phần giảm khó khăn trong cuộc sống…

Anh Nguyễn Hoàng Mộng (khu phố Mỹ An, phường Nhị Mỹ), với 5 công đất thuê để trồng lúa, anh Mộng đã mạnh dạn đào ao nuôi cá kiểng. Anh Mộng chia sẻ, gia đình có trên 10 năm là hộ cận nghèo, nhờ các chính sách vay ưu đãi, hỗ trợ vốn nên thời gian gần đây gia đình anh thu nhập khá từ việc nuôi cá Sọc Ngựa. Anh Mộng đã xin địa phương thoát cận nghèo để chia sẻ cơ hội cho những hộ khó khăn hơn.

SÁT CÁNH CÙNG HỘ NGHÈO

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, thị xã và sự kỳ vọng của nhân dân.

Trong đó, tiến độ giải ngân kinh phí các dự án, tiểu dự án được giao thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn chậm so với kế hoạch đã đề ra, một số dự án tỷ lệ giải ngân còn thấp nên chuyển kinh phí thực hiện sang năm sau.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, TX. Cai Lậy xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thị xã đến năm 2025 còn dưới 1%. Đến cuối năm 2024, toàn thị xã có 191 hộ nghèo, 683 hộ cận nghèo và có 51 hộ thoát nghèo, đạt 170% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn thị xã còn 0,52%, vượt 0,11% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thị xã. Hiện nay, số lao động trên 15 tuổi khoảng 107.000 người; trong đó, số lao động đã qua đào tạo khoảng 52.300 người, số lao động có việc làm trên 79.900 người, số không tham gia hoạt động kinh tế là 26.800 người.

Tính từ lúc thành lập thị xã đến nay đã giải quyết việc làm cho hơn 7.760 lao động, trong đó việc làm mới trên 3.330 lao động, xuất khẩu lao động khoảng 184 người, tập trung chủ yếu thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Công tác đào tạo nghề cho người lao động triển khai gặp khó khăn do không đảm bảo số lượng học viên mở lớp, các đối tượng được hỗ trợ theo quy định phải thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, các đối tượng này trước đây đã tham gia lớp đào tạo nghề rồi nên số lượng còn lại rất ít.

Công tác phê duyệt các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang tạm dừng do phải chờ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới quy định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TX. Cai Lậy Phạm Thanh Mộng cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.

Đặc biệt, động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo; phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Mặt trận Tổ quốc các cấp thị xã và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động sự tham gia của xã hội và cộng đồng trong công tác giảm nghèo; chú trọng việc phối hợp, cân đối các nguồn lực huy động với các chính sách của Nhà nước để tăng hiệu quả của các chính sách giảm nghèo; các đoàn thể, tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm giúp đỡ cho các hộ nghèo trên địa bàn, phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ giúp đỡ cho từng hộ gia đình nghèo.

Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo.

HÀ NAM - T.H

.
.
.