Cán bộ, công chức "có lên có xuống, có ra có vào"
Bộ Nội vụ vừa công khai hồ sơ xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong nhiều nội dung quan trọng của hồ sơ dự án luật, một nội dung đáng chú ý là vấn đề tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm, sàng lọc cán bộ, công chức…
Theo Bộ Nội vụ, một trong những mục đích quan trọng của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”.
Luật cũng sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm mới của Đảng về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sàng lọc, thay thế kịp thời cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp. Vì vậy, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) xác định đây là một trong những nội dung cần đổi mới mạnh mẽ là phù hợp và cần thiết.
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Trước hết về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Chúng tôi cho rằng luật cần phải có những quy định tạo cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, tuyển dụng được những người thực tài. Muốn vậy, ngoài chính sách ưu đãi về thu nhập, việc tuyển dụng cần được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, cơ hội phải công bằng với tất cả các ứng viên và kết quả trúng tuyển chỉ phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất của từng người, tuyệt đối tránh các biểu hiện tiêu cực, “con ông cháu cha”.
Về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý: Cần phải tăng cường, tiến tới luật hóa, áp dụng rộng rãi việc thi tuyển, tránh bổ nhiệm theo kiểu “sống lâu lên lão làng”.
Giai đoạn 2015-2023, thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” tại một số cơ quan Trung ương và địa phương đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội để cán bộ được thử thách, thể hiện năng lực, góp phần đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện đề án cũng còn nhiều hạn chế, như số lượng người đăng ký dự tuyển chưa nhiều, số vị trí chức danh thi tuyển còn hạn chế, còn tình trạng ứng viên tham dự kỳ thi mang tính hình thức, đối phó… Vì vậy, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới cần được mở rộng, đi đôi với khắc phục những bất cập, hạn chế, phát huy những mặt tích cực.
Cùng với công tác tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ thì việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy những người yếu kém về năng lực, phẩm chất là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Bởi chỉ khi làm tốt việc này mới có thể tìm được những cán bộ, công chức xứng đáng nhất cho từng vị trí công tác.
Những năm qua, việc đánh giá cán bộ, công chức đã từng bước thực hiện theo hướng định lượng, gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, việc nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức còn cảm tính, nể nang, không chính xác, dẫn tới phần lớn cán bộ, công chức đều được “cào bằng”, xếp loại hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ.
Điều này dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức ở nhiều nơi chưa phù hợp. Đặc biệt là chưa loại bỏ được những người năng lực, phẩm chất yếu kém.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cần đột phá mạnh mẽ, có quy định phù hợp để sát hạch, đánh giá toàn diện về năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm… của từng cán bộ, công chức theo hướng gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể trong công việc, từ đó sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp, không hoàn thành nhiệm vụ.
Để có thể thực hiện hiệu quả điều này, bên cạnh các quy định mang tính pháp lý, bản thân mỗi cán bộ, công chức và cả xã hội cũng cần xóa bỏ tâm lý coi xuống chức hoặc ra khỏi cơ quan nhà nước là một thất bại. Ngược lại, phải thấy rằng việc cán bộ, công chức “có lên có xuống, có ra có vào” là hết sức bình thường; nhường vị trí cho người giỏi hơn, người xứng đáng hơn là hành động đáng biểu dương và là điều hiển nhiên.
Theo qdnd.vn