Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
(ABO) Theo đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, hồi 7 giờ ngày 23-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ vĩ Bắc; 112,8 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61 km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10 km/h.
Từ 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần. Vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa) và vùng biển phía Tây Nam khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4 -6 m; biển động mạnh. Vùng biển từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biên Gò Công) gió Đông Bắc cấp 5, phía Bắc có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, độ cao sóng 2 - 4 m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bão đồ dự báo quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới lúc 8 giờ ngày 23-12-2024. |
Để chủ động áp thấp nhiệt đới (bão) trên Biển Đông, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản 8198/UBND-KT về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố theo chức năng và nhiệm vụ được phân công, tập trung một số nhiệm vụ.
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã và thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó như: Chằng chống nhà cửa, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển; kiểm tra neo, gia cố các lồng bè cá, khu nuôi trồng thủy, hải sản.
Các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, tổ chức kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên trên mỗi tàu, duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền. Đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, thông báo thường xuyên cho thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, bố trí, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú để đảm bảo an toàn.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố. Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp chật tỉa cành, nhánh của các cây cao, để gây đồ, có biện pháp gia cường, chống đỡ cây, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm đảm bảo an toàn; không để cây xanh ngã đổ do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã và thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó như: chằng chống nhà cửa, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển; kiểm tra, neo, gia cố các lồng bè cá, khu nuôi trồng thủy hải sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) thường xuyên theo dõi các bản tin và các văn bản chỉ đạo của Trung ương để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó; chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kịp thời khắc phục sự cố (nếu có), hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy hải sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; chỉ đạo các Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát phối hợp với Chi cục Thủy sản, địa phương và các đơn vị liên quan; thông báo, phát cảnh báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đơn vị kiểm tra, rà soát khu vực đáy Sông Cầu để sẵn sàng triển khai phương án kêu gọi, di dời người dân vào bờ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi có lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức bắn pháo hiệu theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới (bão) khi cần thiết.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ thường xuyên xảy ra thiên tai, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định.
Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố (nếu có), nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang đề nghị Báo Ấp Bắc và các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, tăng thời lượng phát sóng các bản tin về áp thấp nhiệt đới, phổ biến và tuyên truyền các tài liệu liên quan về các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để nhân dân chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin có liên quan đến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, UBND các huyện, thị xã và thành phố để triển khai các biện pháp ứng phó.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên kiểm tra, quan trắc mực nước trên các tuyến sông để có kế hoạch vận hành công trình phù hợp; thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình, mực nước nội đồng đến các địa phương để cùng phối hợp trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương điều chỉnh kịp thời lịch vận hành công trình khi thời tiết thay đổi, đảm bảo mực nước trong nội đồng luôn ở mức vừa phải để phục vụ sản xuất.
C.T