.
CHUYÊN MỤC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả của hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách

Cập nhật: 16:46, 06/12/2024 (GMT+7)
(ABO) Bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, những năm qua, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
NHCSXH chi nhánh tỉnh Tiền Giang khen thưởng các tổ chức CT-XH thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách.
NHCSXH chi nhánh tỉnh Tiền Giang khen thưởng các tổ chức CTXH thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của Hội, trong những năm qua, vốn ủy thác do Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Châu Thành quản lý không ngừng tăng lên cả về dư nợ và số lượng của các chương trình. Đến ngày 31-3-2024, tổng dư nợ ủy thác của Hội CCB huyện Châu Thành trên 61 tỷ đồng, với 1.751 hộ vay vốn, tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ đạt 100%.
 
Bên cạnh đó, công tác vay vốn NHCSXH đã giúp giải quyết được việc làm cho hơn 850 hộ hội viên CCB huyện Châu Thành; đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên CCB có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Nhờ các nguồn vốn vay, đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của hội viên Lê Văn Thạch (xã Long An), mô hình trồng cây sầu riêng của hội viên Lê Văn Ca (xã Bàn Long), trồng cây sa pô của hội viên Nguyễn Ngọc Hai (xã Phú Phong), mô hình nuôi lươn của hội viên Tô Hoài Phong (xã Bình Trưng)...; xã Tam Hiệp đã có 3 hội viên tự vươn lên xây dựng nhà ở kiên cố, trị giá hơn 800 triệu đồng.
Nhiều CCB phát biển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Nhiều CCB phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.

Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành Nguyễn Xuân Mai cho biết: Từ khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHCSXH triển khai vốn vay giúp cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Những hội viên được vay vốn đã chí thú làm ăn thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhiều hội viên làm ăn tích lũy dần mua sắm được vật dụng có giá trị trong gia đình. Nhiều trường hợp nhờ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tự vươn lên xây nhà 3 cứng.

Đến thời điểm này, CCB toàn huyện chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo và không còn nhà tạm. Đó là nhờ các nguồn vốn cho vay ưu đãi từ NHCSXH nên đã có sự thay đổi từ nghèo khó sang khá, giàu theo chiều hướng khả quan, tốt đẹp.

Từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận để đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả, giúp họ từng bước vươn lên phát triển kinh tế ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội.
 
Bà Đoàn Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cái Bè chia sẻ: Tổng dư nợ ủy thác qua Hội LHPN huyện Cái Bè trên 153 tỷ đồng với 4.066 hộ, bình quân dư nợ trên 37 triệu đồng/hộ, với 10 món vay.
 
Bên cạnh đó, nguồn vốn ủy thác trong năm 2023 đã giúp 87 hộ thoát nghèo bền vững, thu hút, tạo việc làm cho trên 924 lao động. Hội tư vấn giới thiệu cho 32 em xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
 
Ngoài ra, Hội còn giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Tín dụng chính sách xã hội mang ý nghĩa thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng của chị em hội viên, phụ nữ, được chị em và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nhiều nông dân phát biển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Nhiều nông dân phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Những năm qua, hàng ngàn hộ trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Điều này có được là nhờ hoạt động ủy thác cho vay của NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH).
 
Các tổ chức CTXH với mạng lưới từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, ấp, tổ dân phố đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Minh Toàn cho rằng: Xuất hiện trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có 244.612 hộ đạt danh hiệu, chiếm 58,19% số hộ đăng ký.
 
Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp cơ sở trên 135.760 hộ, chiếm 72,51% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện là 69.652 hộ, chiếm 21,98% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh là 9.778 hộ, chiếm 4,94% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp Trung ương là 115 hộ, chiếm 0,57% tổng số hộ đạt.
 
Số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 2,7 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 1,8 lần.
Nhiều hội viên phụ nữ phát biển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Nhiều hội viên, phụ nữ phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Công tác ủy thác cho vay đã góp phần xây dựng, củng cố bộ máy và phong trào hoạt động của các tổ chức CTXH nhận ủy thác, thu hút thêm nhiều hội viên, đoàn viên tham gia và làm cho hoạt động của các tổ chức CTXH nhận ủy thác thêm đa dạng và phong phú, gần dân hơn, sát dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn; năng lực của cán bộ hội, đoàn thể được nâng cao.
 
Bên cạnh đó, việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua của tổ chức CTXH đã tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức CTXH các cấp; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn, hướng dẫn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng.
 
Đến ngày 31-3-2024, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 4.293,729 tỷ đồng (chiếm 99,68% tổng dư nợ của NHCSXH), tăng 686,578 tỷ đồng (19,03%) so với năm 2022 và tăng 131,252 tỷ đồng (3,15%) so với năm 2023.
 
Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân chiếm 42,97%, Hội LHPN chiếm 35,12%, Hội CCB chiếm 12,80%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 9,11%. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác năm 2023 đạt 1.252,845 tỷ đồng (chiếm 99,3% tổng doanh số cho vay của NHCSXH) và 3 tháng đầu năm 2024 đạt 389,707 tỷ đồng (chiếm 99,62% tổng doanh số cho vay của NHCSXH). Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 92,23%.
Nhiều hội viên phụ nữ phát biển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Nhiều hội viên, phụ nữ phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn NHCSXH.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Dương Văn Hoàng cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường triển khai thực hiện hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng thông qua các tổ chức CTXH trong tỉnh. Qua đó, nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp dân cư, sự đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, sự phát triển bền vững của các tổ chức đoàn thể trong dân cư.
 
Ngoài ra, hoạt động trên đã tạo được niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ về công cuộc đổi mới đất nước, quyết tâm xóa khó giảm nghèo và củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, thực hiện được cơ chế công khai từ cơ sở với phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra” đảm bảo vốn đến đúng địa chỉ người thụ hưởng, tiết kiệm chi phí giao dịch cho ngân hàng và khách hàng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
LÊ PHƯƠNG - T.H
 
 
 
 
 
.
.
.