Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(ABO) Sáng ngày 4-12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tham dự và chỉ đạo có đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Các đại biểu về tham dự diễn tập. |
Theo đó, tình huống diễn tập là một xe bán tải vận chuyển một nguồn phóng xạ qua địa bàn TP. Mỹ Tho, trên xe có người lái và nhân viên áp tải nguồn phóng xạ. Khi đang tham gia giao thông trên đường, xe vận chuyển nguồn phóng xạ đã va chạm mạnh với xe tải chạy ngược chiều. Sự cố tai nạn đã làm người lái xe ô tô chở nguồn phóng xạ, nhân viên áp tải bị ngất và kẹt trong xe.
Lực lượng chữa cháy có mặt tại hiện trường xử lý cháy. |
Một số người dân đang đi trên đường chạy đến cứu lái xe và nhân viên áp tải. Người dân gọi điện thoại đến Cảnh sát 113, 114 để thông báo về vụ tai nạn và cứu nạn cứu hộ nạn nhân bị mắc kẹt trong xe, đồng thời gọi điện xe Cứu thương 115 để cấp cứu lái xe và nhân viên trên xe bán tải.
Các tình huống diễn tập xử lý vật có nhiễm phóng xạ. |
Các lực lượng chức năng đến và tổ chức xử lý sự cố tại hiện trường theo quy trình đối với tai nạn giao thông đường bộ. Sau khi tổ chức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, lực lượng Công an phường, xã, Cảnh sát giao thông, Kỹ thuật hình sự phát hiện có nguồn phóng xạ thông qua dấu hiệu cảnh báo phóng xạ trên xe, đã kịp thời báo cáo chỉ huy Công an thành phố.
Lập tức Công an thành phố thực hiện chế độ báo cáo Công an tỉnh. Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy trình để thông báo Sở Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, lực lượng liên quan đến hiện trường, yêu cầu Công an thành phố mở rộng khoanh vùng, bảo vệ hiện trường. Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là sự cố khá nghiêm trọng khi nguồn phóng xạ có khả năng chiếu xạ, nhiễm bẩn phóng xạ gây ảnh hưởng cho công chúng và môi trường.
Phát biểu tại buổi diễn tập, đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, các sự cố bức xạ và hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do đó, việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng; đòi hỏi các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Khoa học và Công nghệ phải luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, việc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thông qua diễn tập này, các lực lượng tham gia diễn tập sẽ được đào tạo và huấn luyện về các kỹ thuật và phương pháp ứng phó, cũng như cách thức phối hợp để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường.
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý hiện trường sau đó. |
TUẤN LÂM