Thứ Tư, 11/12/2024, 09:56 (GMT+7)
.

Đồng hành cùng nông dân giảm nghèo bền vững

Những năm qua, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Hội Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã khơi dậy ý chí, quyết tâm của hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, gắn với thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG), vươn lên thoát nghèo.

Từ đó, Hội Nông dân, cùng với hội viên, nông dân huyện đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

NHỮNG CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Hội Nông dân huyện Cai Lậy luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong việc định hướng, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai, quán triệt chủ trương này đến các cấp hội, hội viên, nông dân từ huyện đến cơ sở.

 Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy ra mắt Chi hội Nông nghiệp nghề nghiệp trồng  và chăm sóc cây kiểng.                                                                                                                Ảnh: Quế Ngân
Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy ra mắt Chi hội Nông nghiệp nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây kiểng. Ảnh: Quế Ngân

Huyện Cai Lậy hiện có trên 26.100 hội viên, nông dân. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Nông dân SXKDG”, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt kết quả thiết thực. Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình.

Đồng thời, Hội Nông dân huyện hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Qua đó, nông dân được tiếp cận, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, lựa chọn được những mô hình hay, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng và hiệu quả đưa vào sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương.

Đến nay, phong trào thi đua “Nông dân SXKDG” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2024, huyện Cai Lậy có trên 22.044 hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu “Nông dân SXKDG” các cấp (cấp trung ương 4 hộ, cấp tỉnh 1.954 hộ, cấp huyện 5.164 hộ và cấp cơ sở 14.922 hộ), chiếm 66,3% số hộ nông dân toàn huyện.

"Hội Nông dân huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển hội viên, xây dựng quỹ hội; làm tốt các dịch vụ hỗ trợ nông dân (chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề…).

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch vận động nông dân SXKDG, thi đua sản xuất, liên kết sản xuất; thành lập câu lạc bộ, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng và phát triển sản phẩm VietGAP.

Hội tiếp tục ra mắt các hợp tác xã, chi hội nông dân nghề nghiệp tại các xã gắn với chương trình cho vay nguồn vốn phát triển sản xuất của Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn vay giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; cung ứng hàng hóa tiêu dùng đến với nông dân nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…”.

CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN HUYỆN CAI LẬY NGUYỄN VĂN TRÈO

Kết quả bình xét cuối năm, huyện có 15.726 hộ đạt danh hiệu “Nông dân SXKDG” (cấp trung ương 2 hộ, cấp tỉnh 1.402 hộ, cấp huyện 3.962 hộ và cấp cơ sở 10.509 hộ), chiếm 71,3% so với tổng số hộ đăng ký.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Trèo cho biết, trong hoạt động, Hội Nông dân huyện luôn bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hội Nông dân huyện luôn tích cực chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Nông dân SXKDG”, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. 

Để phong trào thật sự lan tỏa và đi vào chiều sâu, hằng năm Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp - nông thôn.

Hội Nông dân huyện phối hợp vận động thành lập 19 hợp tác xã (HTX), trong đó có 17 HTX đang hoạt động, 1 HTX ngưng hoạt động và 1 HTX mới thành lập tháng 11-2023. Trong 17 HTX đang hoạt động có 5 HTX vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp nước sinh hoạt nông thôn và 12 HTX sản xuất nông nghiệp.

Huyện có 49 tổ hợp tác, trong đó có 37 tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt và 12 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2024, Hội Nông dân huyện đã phối hợp tham gia tổ chức trao Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho 14 cơ sở, với tổng diện tích 298,03 ha, trong đó có 10 cơ sở sầu riêng (diện tích 190,18 ha) và 4 cơ sở sản xuất lúa (diện tích 107,85 ha).

Việc liên kết trong sản xuất và kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa tạo sự liên kết trong hội viên, nông dân vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân. Trong năm 2024, tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết là 1.720 ha/17.675,56 ha, chiếm 9,73% tổng diện tích gieo trồng lúa của huyện. Trong đó, các hợp tác xã liên kết thực hiện cánh đồng liên kết với các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Phước Lộc, Công ty ADC.

Cùng với thi đua SXKDG, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân của huyện Cai Lậy còn được phát huy tích cực. Năm 2024, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã vận động hỗ trợ hộ nghèo xóa 2 nhà tạm, nhà dột nát; sửa chữa, làm mới 1.122 km đường giao thông; nông dân hiến 600 m2 đất, đóng góp 1.820 ngày công lao động làm đường giao thông…

ĐOÀN KẾT, GIÚP NHAU VƯƠN LÊN

Trong nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Cai Lậy luôn đồng hành cùng hội viên, nông dân tiếp cận nhanh các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy các phong trào thi đua do hội phát động, trọng tâm là phong trào thi đua “Nông dân SXKDG”, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai tốt hoạt động nhận ủy thác. Tính đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện thành lập được 97 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ đến tháng 10-2024 hơn 156,5 tỷ đồng cho 4.142 hộ vay.

Hội Nông dân huyện Cai Lậy trao tặng “Mái ấm nông dân” cho hội viên, nông dân khó khăn  về nhà ở tại xã Phú Cường. 	                                                                                                                    Ảnh: Quế Ngân
Hội Nông dân huyện Cai Lậy trao tặng “Mái ấm nông dân” cho hội viên, nông dân khó khăn về nhà ở tại xã Phú Cường. Ảnh: Quế Ngân

Hằng năm, Hội Nông dân huyện và cơ sở thường xuyên kết hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra, củng cố, nâng chất hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trung bình, yếu để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và hộ chính sách ngày một tốt hơn. Kết quả huy động tiết kiệm tự nguyện là 97 tổ, số tiền hơn 11,334 tỷ đồng với 4.246 hộ gửi tiết kiệm…

Thực tế cho thấy, từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Từ đó, các cấp Hội Nông dân và hội viên, nông dân huyện Cai Lậy không chỉ góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, góp phần củng cố tình đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống, vươn lên làm giàu, hội viên thêm gắn bó với tổ chức hội.

Để phong trào thi đua “Nông dân SXKDG”, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tạo sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, Hội Nông dân huyện Cai Lậy còn tăng cường truyên truyền, vận động hội viên, nông dân tìm hiểu và tham gia Chương trình VietGAP để từng bước nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, trên địa bàn huyện Cai Lậy có 94 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích 7.516,31 ha.

Với những việc làm thiết thực, phong trào thi đua “Nông dân SXKDG”, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại huyện Cai Lậy đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội Nông dân. Đồng thời, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hội viên, nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

SONG AN - T.H

.
.
.