Hành trình tiếp nối sự sống
Khép lại cuộc đời của chàng thanh niên 18 tuổi, còn dang dở với bao hoài bão, nhưng trái tim ấy đã đập lại trong lồng ngực của một cuộc đời khác, ánh mắt ấy sẽ thắp sáng trên một hình hài mới. Dẫu chưa từng gặp mặt, nhưng sợi dây kết nối sinh mệnh đã gắn kết những con người xa lạ, cho hành trình tiếp nối sự sống…
Mãi tuổi thanh xuân
Ngày 17/11, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam N.P.K (18 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang) bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu trong tình trạng hôn mê sâu.
Dù đã được tận tâm cứu chữa nhưng tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng. Giữa ba lần hội chẩn đánh giá chết não, bệnh nhân nhiều lần diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Kíp điều trị nỗ lực kéo dài tình trạng người bệnh. Đến 10 giờ 20 phút ngày 24/11, hội đồng hoàn thành thủ tục xác định chết não.
Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất mặc niệm tri ân chàng trai 18 tuổi hiến tạng cứu người. |
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh viện đã họp rất nhiều lần, bất kể ngày đêm, với mục tiêu đánh giá thật chuẩn xác bởi "đây là sinh mệnh người bệnh". “Khi chúng tôi tư vấn cho gia đình, biết cháu không thể hồi phục, người bà nghẹn ngào nói: “Nếu không cứu được cháu tôi thì hãy cứu người khác, khiến chúng tôi vô cùng xúc động và cảm kích”, BS. Lê Đình Thanh chia sẻ giây phút gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng.
Nhận được thông tin, Thạc sĩ, BS. Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cũng bay từ Hà Nội vào trong đêm, túc trực ở bệnh viện suốt 3 ngày để tham gia điều phối.
Những ống bệnh phẩm được gửi từ TP Hồ Chí Minh ra Bệnh viện Việt Đức, nơi dự kiến sẽ nhận một quả tim và một phần lá gan từ người hiến, để xét nghiệm chéo đánh giá sự phù hợp, trước khi chính thức chuyển tạng ra. Từ ngày 23/11, hàng trăm nhân viên y tế khắp cả nước vào cuộc chạy đua, tìm kiếm người nhận tạng phù hợp nhất. “Suốt đêm thứ bảy, chúng tôi hầu như không ngủ để tìm được bệnh nhân phù hợp", TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy Ghép gan (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dẫn đường cho xe vận chuyển tạng từ Bệnh viện ra sân bay. |
Sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, các chuyên gia quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy tạng vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 24/11. Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật tách gan trên người cho chết não, để ghép cho 2 bệnh nhân. Phương pháp này mang lại ý nghĩa lớn, khi cùng lúc có thể cứu 2 người bệnh, trong đó có trẻ em, từ một lá gan của người cho chết não. Ca phẫu thuật thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.
Trong lúc các bác sĩ làm nhiệm vụ trong phòng phẫu thuật, đội xe đã chuẩn bị sẵn sàng bên ngoài. Thời gian quả tim từ lúc đưa ra cơ thể người hiến đến khi ghép vào người nhận phải đảm bảo trong vòng 6 giờ. Do đó, để kịp mang món quà vô giá vượt khoảng cách hơn 1.700 km, lực lượng Công an và hàng không phải vào cuộc, hàng trăm y bác sĩ từ hai miền Nam - Bắc phối hợp tính toán từng giờ, từng phút.
Trái tim sau khi lấy ra khỏi lồng ngực được đưa vào thùng bảo quản, xe xuất phát từ Bệnh viện Thống Nhất lúc 13 giờ 46 phút ngày 24/11. Bác sĩ vừa đưa tạng lên xe cứu thương chuẩn bị di chuyển ra sân bay vừa điện thoại liên lạc với đồng nghiệp để thống nhất công tác hậu cần cho kịp chuyến bay. Hãng Vietnam Airlines đã hoãn chuyến bay 30 phút để chờ vận chuyển tạng về Hà Nội.
Các đơn vị tạng được hiến gồm 2 quả thận ghép cho hai bệnh nhân hiểm nghèo tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hai phần của lá gan được vận chuyển đến 2 bệnh viện ở hai đầu đất nước, để ghép cho 2 người nhận ngay trong chiều cùng ngày. Sau ghép, các bệnh nhân hồi phục tốt, chức năng gan ổn định. Trong đó, cháu bé tại TP Hồ Chí Minh ngay sáng hôm sau đã tự thở, có thể nói được, còn bệnh nhân ở Hà Nội cũng đã ngưng ống thở, tỉnh táo hoàn toàn.
Ươm mầm sự sống
Cuộc đời của chàng trai 18 tuổi mãi dừng lại nhưng đã hồi sinh, tiếp sự sống cho 7 người. Cũng trong khoảng thời gian này, trái tim của một chàng trai 20 tuổi khác đã ngừng đập. Món quà sự sống từ chàng trai trẻ giúp thắp lên nhiều cuộc đời đang hấp hối vì bệnh tật.
Tạng của người hiến tặng được đơn vị vận chuyển ra sân bay về Hà Nội và Huế ghép cho bệnh nhân. |
Theo đó, nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương sọ não nặng ngày thứ 5. Sau những nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Biết được sự ra đi của con mình có thể tái sinh nhiều cuộc đời, gia đình chàng trai trẻ đã nén đau thương và đồng ý hiến mô, tạng của anh để cứu sống những bệnh nhân có chỉ định ghép tạng. Nhận được thông tin, chiều 27/11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngay lập tức cử các chuyên gia hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quân y 103, để xây dựng kế hoạch lấy - ghép đa mô, tạng. Trong ca lấy - ghép đa tạng lần này, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giúp đỡ về nhân lực và các trang thiết bị y tế.
Xuyên suốt ca phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ lấy tim, phổi, gan, 2 thận và 2 giác mạc từ người hiến chết não, đồng thời tham gia chuyển giao kỹ thuật ghép gan trực tiếp và hỗ trợ hồi sức sau mổ tại Bệnh viện Quân y 103. Theo thông tin từ bệnh viện, sau ca ghép đa tạng, các bệnh nhân nhận tạng đang có những tiến triển tốt. Gan của bệnh nhân đã ghép cho một bệnh nhân nặng. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản và có thể nói chuyện bình thường ngay sau ca mổ. Hai thận của chàng trai cũng giúp "hồi sinh" hai người bệnh đang sống mòn vì suy thận và hai giác mạc cũng sẽ mang lại ánh sáng cho đôi mắt của bệnh nhân sau bao ngày sống trong tăm tối, tuyệt vọng.
Trái tim chàng trai sẽ còn đập lại trên một hình hài khác. |
Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ thành công vượt bậc của y học mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người. Khi một sinh mệnh từ giã cõi đời thì ở một nơi khác, nhiều cuộc đời khác đã được cứu sống nhờ vào những mảnh ghép sinh mệnh người đó để lại.
Bác sĩ Phạm Thị Đào, người đã bay khẩn cấp từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, túc trực nhiều ngày đêm tại Bệnh viện Thống Nhất làm nhiệm vụ điều phối ghép tạng của chàng trai 18 tuổi, chia sẻ: “Tôi có hơn 10 năm rong ruổi khắp nơi để xin mô, tạng ghép cho bệnh nhân. Khi gia đình có bệnh nhân chết não, họ luôn trong tình trạng sốc vì người thân thường là lao động chính. Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ nghĩa cử của mình sẽ bị đồn thổi thành buôn bán tạng. Lo lắng của gia đình các bệnh nhân là có thật, phải làm sao để họ vượt qua được nỗi sợ hãi đó, đồng ý hiến tạng cứu người. Mặt khác, không ít người cho rằng chi phí phẫu thuật ghép tạng rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này gia đình người hiến tạng được hưởng. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục người thân, gia đình người hiến tạng”.
Theo bác sĩ Đào, một người hiến có thể ghép tối thiểu cho 5 bệnh nhân: Ghép tim, ghép phổi, ghép gan, ghép hai thận. Ngoài ra, các mô như gân, xương, da, dây thần kinh, tĩnh mạch, van tim và giác mạc cũng có thể hiến. Vì thế, một người chết não hiến tạng sẽ có nhiều cuộc sống mới được hồi sinh. Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển của ghép tạng ở Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn mua bán tạng, bán người.
Bệnh nhân được ghép tạng đang hồi phục sức khỏe tốt |
Đã có nhiều cuộc đời hồi sinh nhờ hiến tạng. Họ được sống và luôn mang ơn về sự sống được tiếp nối này. Đó là câu chuyện của anh T.Đ.Đ, người được ghép tim từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2017. Anh Đ. ra trường đi làm được 3 năm thì phát hiện suy tim giai đoạn 1, do tinh thần yếu nên trong vòng 3 tháng đã chuyển sang suy tim nặng. May mắn, trong quá trình điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy thì bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo mình có cơ hội được ghép tim từ trường hợp là người cho chết não.
“Lúc trước thì tuyệt vọng rất nhiều, kinh tế phải phụ thuộc vào gia đình và xã hội nữa, mình làm phiền họ rất nhiều. Sau khi được ghép thì đó là một điều tuyệt vời, mình có thể tự lo bản thân và hỗ trợ cho gia đình, giúp ích được cho xã hội, đất nước một phần nào đó. Với mình, đến bây giờ, đó mãi mãi là một phép màu”, anh Đ. xúc động nhớ lại khoảnh khắc nhận được trái tim mới.
Chia sẻ về thời điểm con mình được ghép thận sau hơn một tháng chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy, giọng bà H.C.V, mẹ bệnh nhân P.T.L.T vẫn đầy xúc động: “Hôm đó là chiều muộn, nhân viên bệnh viện gọi điện nói bé nhà tôi có tên trong danh sách người được nhận thận. Bác sĩ kêu tôi cho bé nhập viện, lúc đó mừng quá không biết gì luôn, cứ chạy vô chạy ra. Đi trên đường mà con bé cứ hỏi: “Mẹ ơi, có thiệt là con được ghép không”.
Bày tỏ niềm vui khi trở lại cuộc sống bình thường, bệnh nhân P.T.L.T chia sẻ: “Sau khi ghép thận, em cảm thấy vui và khỏe hơn, không còn mệt như trước nữa, bình thường khi chạy thận là em ngủ ngồi chứ không ngủ nằm được, ngủ nằm sẽ khó thở. Còn ghép xong thì ngủ bình thường trở lại rồi. Em muốn gửi lời cảm ơn đến người đã hiến cho em, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”.
Phép màu đến, nhưng không phải là cổ tích mà xuất phát từ nghĩa cử cao quý của gia đình người hiến tạng. Giá trị nhân văn "cho đi là còn mãi" của việc hiến tạng còn là sự sống vẫn có thể được tiếp nối trong hình hài người ở lại.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân