Thứ Tư, 25/12/2024, 19:45 (GMT+7)
.
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HUYỆN CHÂU THÀNH:

"Cầu nối" đưa nguồn vốn ưu đãi đến với phụ nữ nghèo

Với hơn 3.300 hội viên và 94 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VỐN ƯU ĐÃI

Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Phan Thị Nhàn cho biết, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, LHPN huyện đã đảm bảo các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Điều đáng ghi nhận là người dân không chỉ được tiếp cận nguồn vốn, mà còn được hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, tạo hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế.

Hội LHPN huyện vận động xây nhà cho phụ nữ nghèo xã Nhị Bình.
Hội LHPN huyện Châu Thành vận động xây nhà cho phụ nữ nghèo xã Nhị Bình.

Điển hình như trường hợp của chị Trương Thị Hồng Loan, hội viên phụ nữ xã Đông Hòa. Từ một gia đình gặp khó khăn về tài chính, chị đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng để cải tạo vườn tạp thành vườn sầu riêng. Sau 5 năm kiên trì đầu tư, vườn sầu riêng của gia đình đã cho thu hoạch, thu về khoảng 150 triệu đồng trong mùa đầu tiên. “Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi có cơ hội thay đổi cuộc sống, không chỉ cải thiện thu nhập, chúng tôi còn có điều kiện cho các con học hành tốt hơn” - chị Loan chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện Châu Thành có 94 Tổ TK&VV do Hội LHPN huyện quản lý, có trên 3.360 khách hàng còn dư nợ, với tổng số tiền gần 126 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ. Các nguồn vốn được triển khai đa dạng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển và các chương trình tín dụng ưu đãi khác.

Điểm nổi bật trong hoạt động của Hội LHPN các cấp là việc thành lập các Tổ TK&VV tại cơ sở. Các tổ này không chỉ giúp quản lý nguồn vốn hiệu quả, mà còn tạo diễn đàn để chị em chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Chủ tịch LHPN huyện Châu Thành Phan Thị Nhàn cho biết, trong năm qua, hoạt động ủy thác của Hội ngày càng nâng cao ý thức thực hiện của các Tổ TK&VV đã đi vào hoạt động đúng hướng. So với năm 2005, khi tổng dư nợ quỹ chỉ có 11,3 tỷ đồng, đến nay, tổng dư nợ ủy thác của Hội đã vượt trên 125 tỷ đồng.

Đặc biệt, đa số hội viên, phụ nữ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng.

Bên cạnh vai trò cầu nối về vốn, Hội LHPN các cấp còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác như xây dựng hệ thống theo dõi quản lý đối tượng chặt chẽ, phân công cán bộ phụ trách từng nhóm hội viên. Đặc biệt, Hội tích cực tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn khởi nghiệp và kết nối thị trường cho sản phẩm của hội viên.

Kết quả năm 2024 cho thấy, những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả thiết thực, khi 434/449 hộ phụ nữ nghèo được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng; 388 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp đỡ 100%, với số tiền 12,6 tỷ đồng; 839/949 hộ phụ nữ cận nghèo được hỗ trợ 22,6 tỷ đồng; 519/565 phụ nữ cận nghèo làm chủ hộ được giúp đỡ, với số tiền 14,6 tỷ đồng.

HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong thời gian qua, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của vốn tín dụng chính sách, nhằm góp phần phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động ở cơ sở, cán bộ Hội ở cơ sở thường biến động về nhân sự, nhân sự mới ở một vài cơ sở chưa có kinh nghiệm công tác Hội nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.

Kiểm tra nguồn vốn vay của chị Loan, xã Đông Hòa.
Thăm hỏi, tìm hiểu hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình tại xã Đông Hòa.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Phan Thị Nhàn, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các chương trình tín dụng ưu đãi; phát huy vai trò của Tổ TK&VV trong giám sát, hỗ trợ hội viên; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai nguồn vốn.

Đồng thời, Hội LHPN huyện đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên theo từng nhóm đối tượng hội viên, phụ nữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, quản lý. Hội đang hướng dẫn hội viên sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, đơn vị đổi mới phương thức hoạt động theo phương châm “Tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”.

Hội viên, phụ nữ xã Đông Hòa được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Hội viên, phụ nữ xã Đông Hòa được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.

Điều này giúp tăng tính kết nối và hiệu quả trong triển khai các hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả. Song song đó, Hội LHPN các cấp tập trung phát triển các mô hình thu hút hội viên theo nhu cầu, sở thích và ngành nghề; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp để nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Có thể nói, với vai trò “cầu nối” đắc lực, Hội LHPN các cấp trong huyện Châu Thành đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những nỗ lực này giúp các hội viên, phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TUẤN LÂM - NGỌC YÊN - T.T

 

.
.
.