Cầu nối những tấm lòng vàng với nạn nhân da cam
Đó là công việc thường xuyên trong hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hội đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của một tổ chức xã hội - từ thiện, luôn gần gũi với NNCĐDC, cảm thông những cảnh đời bất hạnh, nghèo khó, bệnh tật, giúp đỡ họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Ân thăm hỏi, tặng quà cho NNCĐDC xã Mỹ Long. |
Trên địa bàn huyện Cai Lậy hiện có 1.556 NNCĐDC, hầu hết các gia đình có NNCĐDC đang sống trong nghèo khó, sức lao động hạn chế hoặc mất hết khả năng lao động. Trước thực tế đó, trong nhiều năm qua, Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy không ngừng khắc phục khó khăn, thường xuyên đến với NNCĐDC để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả nhất.
Qua quá trình hoạt động, Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy có 2.168 hội viên, luôn có sự đoàn kết, nhất trí cao và nhiệt tình trong công tác chăm lo và giúp đỡ NNCĐDC. Liên tục trong những năm qua, Hội các cấp vận động hơn 1 tỷ đồng để giúp đỡ NNCĐDC, riêng năm 2024, Hội các cấp của huyện Cai Lậy vận động tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Với số tiền vận động được, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình NNCĐDC, Hội tổ chức giúp đỡ một cách phù hợp và thiết thực, chủ yếu nhất là bằng hình thức thăm hỏi, tặng quà, xây tặng “Mái ấm da cam” cho những gia đình đang khó khăn về nhà ở; phát học bổng cho con em gia đình nghèo, trợ vốn sản xuất, tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những nạn nhân già yếu, tàn tật, bệnh nặng...
Nổi bật trong trong việc chăm lo cho NNCĐDC được người dân tin tưởng và tín nhiệm phải kể đến Hội ở các xã: Tân Phong, Hiệp Đức, Mỹ Long, Thạnh Lộc, Long Tiên, Phú An.
Thời gian qua, Hội các cấp của huyện Cai Lậy nhờ làm tốt công tác khảo sát, quản lý NNCĐDC trên địa bàn, sâu sát từng gia đình nạn nhân và biết được mức độ thương tật, bệnh tình mỗi người nên việc hỗ trợ và giúp đỡ luôn kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình nạn nhân ở đây. Trong nhiều năm qua, hoạt động của Hội các cấp ở huyện Cai Lậy đã giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh, từng bước vươn lên vượt qua số phận.
Được sự giúp đỡ của Hội, nhiều NNCĐDC có thêm nghị lực khắc phục khó khăn, vượt qua số phận không được may mắn, điển hình như các NNCĐDC: Trần Văn Trường (xã Mỹ Thành Bắc), Phan Văn Côn (xã Bình Phú), Lê Văn Trạng (xã Thanh Lộc)…
Nghị lực vượt khó phi thường của những NNCĐDC làm lay động lòng người phải kể đến như: Đỗ Thị Khuyên (xã Mỹ Long) bị liệt đôi chân, vừa đi bán vé số nuôi sống gia đình, vừa quyết tâm luyện tập môn bơi lội và trở thành vận động viên khuyết tật đạt thành tích cao của cả nước (đạt hơn 10 Huy chương Vàng, Bạc); hay Nguyễn Văn Thơm (xã Long Tiên) cũng bị liệt chân, thân thể tật nguyền, hằng ngày di chuyển trên chiếc xe lắc đi bán vé số, nuôi sống cả nhà…
Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Cai Lậy Bùi Thanh Sơn cho biết, để làm tốt công tác chăm lo, giúp đỡ NNCĐDC ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới, Hội NNCĐDC huyện và các xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các nội dung, phương thức vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC theo hướng xã hội hóa; đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam” do Trung ương Hội phát động nhằm giúp đỡ NNCĐDC khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Trước mắt, tập trung vận động nguồn lực dồi dào để làm sao mang đến cho NNCĐDC những phần quà thiết thực nhất, đầy ý nghĩa trong dịp Tết Ất Tỵ sắp đến và Kỷ niệm 64 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2025).
Đồng thời, chú trọng quan tâm chăm lo các gia đình NNCĐDC thuộc diện chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nặng như: Nguyễn Văn Việt (thị trấn Bình Phú), Huỳnh văn Em (xã Mỹ Thành Nam), Trần Thị Út Sót (xã Cẩm Sơn), Lương Văn Thới (xã Phú Nhuận)…
LÊ HUỲNH