"Mái nhà chung" của người khiếm thị
Trong những năm qua, các cấp Hội Người mù trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã luôn đồng hành, quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên. Từ đó, người khiếm thị không còn đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn, ngày càng có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
Với mục tiêu xây dựng “điểm tựa tinh thần” của người khiếm thị, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh tích cực tuyên truyền, động viên và kết nạp người khiếm thị đủ tiêu chuẩn tham gia vào tổ chức Hội, góp phần giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng.
Hội Người mù tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội cơ sở vận động các nhà hảo tâm trao quà cho hội viên, người mù có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TẤN TRUNG |
Đến nay, Hội Người mù tỉnh có 998 hội viên/1.142 người mù, sinh hoạt ở 10 chi hội các huyện, thành, thị. Hội Người mù tỉnh thường xuyên tập trung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, hội viên, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của các cấp Hội; tích cực hưởng ứng thực hiện tốt 3 Cuộc vận động: “Cải cách hành chính”, “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn quán triệt trong hội viên thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” để vươn lên trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh còn mở các lớp dạy xóa mù chữ Braille cho hội viên tại Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy, huyện Chợ Gạo; đồng thời, thực hiện tốt chế độ phân phát báo chữ nổi cho các Hội cơ sở, giúp các hội viên gắn kết với nhau, các Hội cơ sở đã tổ chức nhiều câu lạc bộ như: “Gia đình hạnh phúc” (TP. Mỹ Tho), “Tổ gia đình hạnh phúc”, “Dân số kế hoạch hóa gia đình” (huyện Cai Lậy), “Tiếng hát Người khiếm thị”…
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Tiền Giang Lê Văn Khôi cho biết: “Để thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho hội viên, Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh luôn bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ thiết thực, gắn liền với nhu cầu thực tiễn đời sống hội viên. Là “mái nhà chung” của người khiếm thị, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã tích cực tuyên truyền, động viên và kết nạp người khiếm thị đủ tiêu chuẩn tham gia vào tổ chức Hội, giúp người khiếm thị nâng cao tinh thần, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”.
QUAN TÂM CHĂM LO HỘI VIÊN
Những năm qua, không chỉ nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các cấp Hội Người mù trong tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập.
Các cấp Hội thường xuyên quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người khiếm thị được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho hội viên vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, các cấp Hội Người mù của tỉnh đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, hội viên khiếm thị trong tuổi lao động đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền… Hiện nay, Hội có 3 cơ sở xoa bóp do Hội quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho 18 hội viên, thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với dạy nghề, mỗi năm, Hội Người mù tỉnh chủ động xem xét hỗ trợ cho hội viên, người mù có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế như chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Qua đó, Hội hiện quản lý và thu lãi 14 cụm dự án chăn nuôi, buôn bán nhỏ cho 117 người vay, với tổng nguồn vốn trên 1 tỷ đồng. Tất cả hội viên được vay vốn đều phấn khởi, chăn nuôi, buôn bán có hiệu quả; đến hạn trả vốn và lãi đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, không để nợ tồn đọng.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) cho biết: “Khi phát hiện bị teo dây thần kinh thị lực dẫn đến giảm thị lực, lúc ấy, tôi chán nản và mặc cảm, mỗi ngày trôi qua với tôi vô cùng khó khăn.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi tôi tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù tỉnh, được học nghề, tạo điều kiện làm việc tại cơ sở xoa bóp của Hội, được giao tiếp với nhiều người, học chữ nổi… tôi dần lạc quan, sống vui hơn. Thu nhập từ nghề massage, bấm huyệt giúp tôi ổn định kinh tế gia đình và có điều kiện hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ”.
Ngoài ra, hằng năm, Hội Người mù tỉnh còn tranh thủ sự quan tâm của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tích cực phối hợp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hội viên, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn; trợ cấp hằng tháng, tặng quà, học bổng, sổ tiết kiệm cho người mù và con người mù nhân các ngày lễ, tết… với 80.996 phần quà.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.022 hội viên, người mù được hưởng trợ cấp khó khăn; xây 5 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 10 căn nhà cho 14 hội viên khó khăn về nhà ở; hỗ trợ hằng tháng cho 17 hội viên có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn mỗi người 10 kg gạo/tháng…
Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đẩy mạnh dạy chữ, dạy nghề, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để tặng quà, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng, xã hội hiểu hơn về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người mù, từ đó có sự quan tâm, chia sẻ, giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
SONG AN