.

Huyện Cai Lậy: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Cập nhật: 10:03, 16/12/2024 (GMT+7)

Thu hút lao động tham gia đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước là công tác được huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm. Đây là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác này, được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Đối với công tác giải quyết việc làm, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Cai Lậy đã giải quyết việc làm cho hơn 6.900 lao động, đạt 90% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Dự kiến đến năm 2025, tổng số lao động được tạo việc làm của huyện Cai Lậy là trên 8.500 lao động, vượt 111,2% so với chỉ tiêu giao.

Lớp dạy nghề trồng sầu riêng đáp ứng nhu cầu của nhiều nông dân xã Mỹ Thành Nam.                                                                                                    Ảnh: QUẾ NGÂN
Lớp dạy nghề trồng sầu riêng đáp ứng nhu cầu của nhiều nông dân xã Mỹ Thành Nam. Ảnh: QUẾ NGÂN

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Cai Lậy đã mở 5 lớp đào tạo nghề cho gần 200 học viên, trong đó có 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và 1 lớp phi nông nghiệp đào tạo nghề nấu ăn cho 35 lao động ở xã Phú An.

Đến nay, những học viên các lớp đào tạo nghề này đã hoàn tất chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề và có việc làm ổn định. Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của huyện gần 40%, vượt 114% so với nghị quyết.

Nói về công tác thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh cho biết, trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.

Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ về việc làm được ban hành, công tác giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, giảm tỷ lệ thất nghiệp…

Cùng với kết nối việc làm trong nước, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chiến lược quan trọng nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lớp dạy nghề nấu ăn tại xã Phú An. 				                          Ảnh: QUẾ NGÂN
Lớp dạy nghề nấu ăn tại xã Phú An. Ảnh: QUẾ NGÂN

Tại huyện Cai Lậy, số lượng người lao động được tạo việc làm tăng hằng năm, người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm sau cao hơn năm trước, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao. Đồng thời, thị trường lao động nước ngoài ngày càng được mở rộng và hướng tới những thị trường có thu nhập cao, công việc ổn định hơn.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Cai Lậy đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao dịch việc làm, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận. Riêng về xuất khẩu lao động, có 142 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản.

Cụ thể, năm 2023, huyện có 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 214% so với chỉ tiêu tỉnh giao; từ đầu năm 2024 đến nay, có 82 người tham gia xuất khẩu lao động, trong khi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra chỉ tiêu hằng năm đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ 18 đến 39 lao động.

Theo đồng chí Võ Văn Nhanh, để đạt được những kết quả đó, trong thời gian qua, UBND huyện Cai Lậy đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp có liên kết hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, thu hút lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và ở nước ngoài...

Song song đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy để hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng. Thông tin tuyên truyền để người lao động nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, công việc ổn định, thu nhập tốt.

Đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phòng tránh thiệt hại cho người lao động.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trong 2 năm qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm có hơn 860 người tham dự, thu hút trên 50 lượt doanh nghiệp tham gia, đồng thời lồng ghép chương trình giảm nghèo tổ chức tuyên truyền tại các xã, thị trấn.

Việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những hướng giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, giúp giảm nghèo hiệu quả, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân có thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần so với cùng công việc trong nước.

Điển hình trường hợp gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài mang về nguồn thu nhập cao như gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, ở ấp 5A, xã Phú Cường. Trước đây, gia đình ông Phúc là hộ có hoàn cảnh khó khăn, đến khi 2 người con của ông Phúc đi xuất khẩu lao động, làm việc tại Nhật Bản đã cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình. Đến nay, cuộc sống gia đình ông Phúc đã khấm khá.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CHO CÔNG TÁC VIỆC LÀM

Để công tác giải quyết việc làm, trong đó có đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thực sự vững chắc và ngày càng phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững, đồng chí Võ Văn Nhanh cho biết, thời gian tới, UBND huyện Cai Lậy đưa ra 5 giải pháp cơ bản.

Lớp dạy nghề nuôi lươn không bùn thu hút nhiều lao động ở xã Phú An tham gia. Ảnh: QUẾ NGÂN
Lớp dạy nghề nuôi lươn không bùn thu hút nhiều lao động ở xã Phú An tham gia. Ảnh: QUẾ NGÂN

Trong đó, huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều tra, khảo sát lao động địa phương có nhu cầu việc làm, ưu tiên lao động ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để kết nối, tạo công ăn việc làm hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt, trong đó chú trọng tuyên truyền về chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh, đến trực tiếp từng đối tượng người lao động.

Song song đó, huyện phối hợp tổ chức các cuộc truyền thông, tuyên truyền, hội nghị tư vấn, sàn giao dịch lao động kết nối việc làm trong tỉnh, đồng thời nâng cao số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng về nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài, để người lao động hiểu, tham gia; đồng thời, lựa chọn những công ty, doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn.

UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH làm đầu mối liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đoàn thể để xây dựng và củng cố cơ chế hợp tác; phát triển lực lượng cộng tác viên ở địa phương.

Đồng chí Võ Văn Nhanh cho biết thêm, trong những năm tiếp theo, UBND huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục gia tăng chỉ tiêu cho phòng chuyên môn và UBND cấp xã trong công tác giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài.

THỦY HÀ

 

.
.
.