Bài 2: Vị thế của Mỹ Tho đại phố
Bài 1: Những dòng chảy lịch sử
(ABO) Với địa thế hiếm có, Mỹ Tho sớm trở thành trung tâm thương mại, chốn phồn hoa đô hội cho cả vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Nhiều tư liệu minh chứng tầm vóc của Mỹ Tho đại phố cách đây hàng trăm năm, là đô thị sầm uất, trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả vùng. Nghiên cứu của TS. Lê Văn Tý cho thấy nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu đến định cư ở Mỹ Tho, thấy vùng đất này là địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán, họ xây dựng nên Mỹ Tho đại phố, một trung tâm xuất nhập khẩu lớn của Nam bộ. Họ thu hút thương nhân Trung Hoa và các nước là thương buôn chuyên nghiệp có vốn lớn và giàu kinh nghiệm. Hơn nữa, kiểu buôn bán ở Mỹ Tho là dạng xuất nhập khẩu, có nhiều kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua, với nhiều chân rết. Chưa kể, Mỹ Tho đại phố có nhiều chân rết vệ tinh như Chợ Gạo, Bến Chùa, Cái Bè, Long Hồ, Sa Đéc…
Khu vực bến tàu Mỹ Tho xưa. Ảnh: TL. |
Những khu thị tứ này làm nhiệm vụ cung cấp nông sản, thổ sản cho Mỹ Tho đại phố xuất khẩu đồng thời cũng nhận hàng hóa của nước ngoài được Mỹ Tho đại phố phân phối và bán cho người tiêu dùng. Thuyền buôn các nước đến Mỹ Tho như mắc cửi, thật là nơi độ hội lớn. Khi đến nơi, thuyền phải vào ụ, thả neo rồi lên bờ mướn phố (khách sạn) ở tạm. sau đó chủ thuyền buôn đến nhà chủ vựa - chủ chành giới thiệu hàng hóa, nhờ chủ vựa kê khai toàn bộ trình số thuế.
Thuyền buôn các nước tới lui tùy theo mùa gió. Thường họ đến vào mùa xuân, thuận theo gió đông bắc. Qua mùa hạ thuận theo gió nam mà về. Nếu cuốn buồm đậu lâu quá, từ thu sang đông gọi là “lưu đông”. Mỹ Tho trong hai thế kỷ XVII và XVIII được mệnh danh là vùng “nhất thóc nhì cau”. Hai mặt hàng nông sản chủ lực được buôn bán trên thị trường là lúa gạo và cau. Ngoài ra còn có tôm, cá và một số thổ sản khác như các loại đậu, quả…
Khung cảnh nhộn nhịp của con đường bên bến tàu, dọc sông Bảo Định (đường Trưng Trắc ngày nay). Ảnh: TL. |
Nghiên cứu của ông Nguyễn Thành Lợi, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh cũng chứng minh thêm vị thế của Mỹ Tho thời bấy giờ. Theo đó, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo là hàng hóa kinh doanh chính yếu ở chợ Mỹ Tho, nằm ở vị trí “đầu cầu” của miền Tây, đã cung ứng cho các thị trường và xuất khẩu: “Việc thương mại tổng quát của chợ, trước hết là việc xuất cảng lúa gạo. Lúa gạo được sơ chế và sau đó được chuyển về địa chỉ của các nhà máy xay xát gạo ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Tại đó, gạo được chà sạch rồi vận chuyển ra Trung Kỳ hay Cambốt. Những loại trái cây, lá trầu rang cũng được xuất lên Cambốt”.
Từ đó, các phương tiện giao thông thủy bộ đều được huy động để phục vụ cho việc giao thương ở Mỹ Tho. Thống kê trong giai đoạn này cho thấy, có đến 8.000 chiếc ghe các loại đảm bảo việc buôn bán trong tỉnh; tàu hơi nước của Hãng Năm Sao, tàu Chaloupe, ghe chài của người Hoa, xe lửa phục vụ việc mua bán ngoài tỉnh, nhất là giữa Sài Gòn với Mỹ Tho và các tỉnh Tây Nam bộ. Mỹ Tho nhập về cá khô từ Cambốt; chiếu rơm, đậu khô, phân bón, vôi, nước mắm, đồ gốm, đồ gỗ từ An Nam (Trung Kỳ); vải vóc, dầu lửa... từ Sài Gòn và Chợ Lớn.
Bên ngoài ga Mỹ Tho. Ảnh: TL. |
Một trong những chi tiết quan trọng góp thêm vị thế trung tâm của Mỹ Tho đại phố là tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho với chiều dài 71km được khởi công vào năm 1881, xây dựng hoàn thành vào năm 1885, chạy với tốc độ 25 km/h, chạy từ Sài Gòn đến Mỹ Tho chỉ mất có 3 giờ đồng hồ, thay vì đi ghe chèo hoặc đi ngựa thì phải mất cả ngày hoặc lâu hơn nữa. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp, một trong những mục đích thành lập tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho của thực dân Pháp là để cạnh tranh trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa với các hãng tàu thủy Hoa kiều nhất là hãng Thái Thuận của A Hi có 30 chiếc tàu thủy, đang độc quyền vận tải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc làm đó của tư bản Pháp là cũng nhằm hạn chế sự vươn lên của tư bản Hoa kiều, vốn đã gây cho tư bản Pháp nhiều thiệt hại nặng nề trong việc cạnh tranh gay gắt trên lĩnh vực vận tải. Nhưng dẫu sao, mục đích tối thượng mà thực dân Pháp muốn nhắm đến khi xây dựng đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là tiềm năng kinh tế to lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 1958, chính quyền Sài Gòn chấm dứt hoạt động của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho - tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam và duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Một góc Mỹ Tho ngày nay. |
Với tiềm lực, vị thế của Mỹ Tho đại phố, TS. Nguyễn Phúc Nghiệp cho rằng, với sự ra đời và phát triển của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, thì Mỹ Tho nổi lên như là một địa bàn trung chuyển đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long hồi cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX. Chính Mỹ Tho nắm giữ vị trí yết hầu giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được xem là vựa lúa và thực phẩm lớn nhất Việt Nam và Đông Dương với Sài Gòn - một nơi được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là trung tâm kinh tế và xuất nhập khẩu lớn nhất Việt Nam và Đông Dương hồi bấy giờ.
Chỉ cần lướt qua một vài chi tiết trong chặng đường lịch sử 345 năm cũng đủ thấy rằng, từ rất lâu Mỹ Tho đã là đô thị sầm uất, giữ vai trò rất quan trọng trong vùng châu thổ Cửu Long. Đi kèm với phát triển kinh tế, Mỹ Tho còn trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và mang nhiều nét đặc trưng khác. Nhiều người biết Mỹ Tho nhiều hơn, cái nôi của cải lương ở Nam Kỳ, của những món ăn đặc sản hay vùng đất có nhiều trái ngon nổi tiếng…
TT
(Còn tiếp)