Thứ Ba, 17/12/2024, 09:19 (GMT+7)
.

Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc

Đây là chủ đề vừa được Bộ Y tế đưa ra tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2024 tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Mục đích của chủ đề này là nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay đặt ra cho ngành Y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA CÔNG TÁC DÂN SỐ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: “Năm 2024 là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Tiền Giang đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số (ảnh chụp tại Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho). Ảnh: LẬP ĐỨC
Tiền Giang đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số (ảnh chụp tại Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho). Ảnh: LẬP ĐỨC

Đó là việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững; xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo).

Tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái). Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ “dân số vàng”. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn...

Trong khi đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những người làm công tác dân số trên cả nước vẫn kiên trì, không chùn bước trước thử thách, luôn đoàn kết, đồng cam cộng khổ và tận tâm vì cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về công tác dân số được giao, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác dân số.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực từ mọi tầng lớp nhân dân, cùng sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm công tác dân số ở các cấp, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, công tác dân số năm 2024 đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến cơ sở với nhiều giải pháp hiệu quả.

Tham dự Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chúc mừng và chia sẻ với Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực không ngừng trong việc giải quyết bất bình đẳng và giảm bớt chênh lệch về tình trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng miền và các nhóm dân cư.

Theo ông Matt Jackson, người dân Việt Nam hiện nay sống thọ hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng của sự phát triển. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã vượt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ, đạt mức giảm 46‰ trong 20 năm qua, cao hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là 34‰.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi đã tăng lên, đạt hơn 60%, góp phần nâng cao sức khỏe sinh sản cho mọi người. Tuy nhiên, bất bình đẳng vẫn đang còn là thách thức ở Việt Nam.

Tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cao gấp 3 - 4 lần so với mức trung bình cả nước. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở thanh niên chưa kết hôn chiếm 40%, gấp 4 lần so với các cặp vợ chồng đã kết hôn.

Bên cạnh đó, bạo lực giới vẫn còn phổ biến, với gần 2/3 (62,9%) phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình trong suốt cuộc đời của mình. Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi, điều này đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh…

TIỀN GIANG ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ

Đối với những thách thức mà công tác dân số trên cả nước đang phải đối mặt, Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số và đã đạt được những thành công nhất định.

Nhiều năm qua, Tiền Giang luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện công tác dân số - phát triển. Hiện nay, hầu hết các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế tại Tiền Giang đều đạt và vượt so với chỉ tiêu chiến lược dân số đề ra đến năm 2030.

Cộng tác viên dân số xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình. Ảnh: P. MAI
Cộng tác viên dân số xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình. Ảnh: P. MAI

Chẳng hạn chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh nhiều năm liền đã được kéo giảm về mức 109 bé trai/100 bé gái, con số này của năm 2024 là 108,44/100. Tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản nhiều năm liền không xảy ra. Số trường hợp tảo hôn năm 2023 của tỉnh đã giảm 71% so với năm 2019. Số trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn là 91 trường hợp, giảm 66,04% so với năm 2019; tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm xuống dưới 5/1.000.

Tiền Giang đã phát triển được hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) trên khắp địa bàn dân cư trong tỉnh. 100% các xã, phường, thị trấn đều có cung cấp dịch vụ khám thai, tỷ lệ quản lý thai và khám thai đã đạt đến mức độ bao phủ.

Kết quả này đạt được là do người dân ngày càng thay đổi nhận thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSKSS ngày càng được nâng cao, tỷ lệ quản lý thai đạt rất cao 99,2%.

Số liệu thống kê đến cuối năm 2024, dân số Tiền Giang đã chạm mức 1,81 triệu người. Nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân… Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đối mặt với vấn đề mức sinh giảm thấp so với mức sinh thay thế.

Để thực hiện tốt hơn công tác dân số trong thời gian tới, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Dân số Tiền Giang) Lê Trần Thu Thủy cho biết: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Trong Tháng hành động quốc gia về dân số và trong thời gian tới, ngành Dân số sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm nâng cao chất lượng dân số mà tỉnh Tiền Giang đang thực hiện.

Trong đó, sẽ truyền thông để giảm thiểu tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi chưa thành niên. Thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống. Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Thực hiện giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn và có hệ thống ở thế hệ trẻ nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

THỦY HÀ

.
.
.