.

Thống nhất mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%

Cập nhật: 20:54, 24/12/2024 (GMT+7)

 Chiều 24/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024

a
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Tờ trình của Chính phủ, do hiện nay đang có chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hệ thống các đơn vị làm công tác bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội..., Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027 với mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 là 1,44%.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Về thời gian kéo dài thực hiện Nghị quyết số 09 có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất: Kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 đến hết ngày 30/6/2025.

Loại ý kiến thứ hai: Thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó, kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027.

Thường trực Ủy ban Xã hội nghiêng về loại ý kiến thứ nhất.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng thống nhất với việc Chính phủ đề xuất mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong quá trình giao dự toán, thực hiện dự toán cần chủ động thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cắt giảm chi phí thường xuyên để tiết kiệm hơn.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024, với mức chi phí tối đa tạm thời là 1,44 % dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 đến hết ngày 30/6/2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đây là giải pháp tình thế để đảm bảo vận hành công tác quản lý, bảo hiểm xã hội trong điều kiện chưa kịp có nghị quyết mới và đang thực hiện sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết 18.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, hoàn thiện báo cáo, đánh giá và sớm có tờ trình dự thảo nghị quyết về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025 - 2027 với mục tiêu phấn đấu có nghị quyết mới trước khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của toàn bộ thông tin số liệu, các thuyết minh về tình hình thực hiện giai đoạn 2022 - 2024, cũng như cơ sở đề xuất cho phép tiếp tục kéo dài trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 09 trong hồ sơ dự thảo nghị quyết.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024.

Theo TTXVN

 

.
.
.