.

Tiền Giang: Chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Cập nhật: 16:32, 12/12/2024 (GMT+7)

(ABO) UBND tỉnh Tiền Giang nhận được Công điện 128/CĐ-TTg ngày 8-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện Công điện 128/CĐ-TTg ngày 8-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án 448/PA-UBND ngày 22-11-2024 của UBND tỉnh về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 9-10-2024 của UBND tỉnh về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2025.

- Rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng cao điểm, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2025.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, mặn, đặc biệt theo dõi chặt chẽ hướng xâm nhập mặn từ phía sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An) và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Thông báo tình hình diễn biến mặn, mực nước và vận hành công trình trong ngày trên bản tin Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để nhân dân biết chủ động sản xuất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước trên sông, kinh, rạch và nguồn nước trữ nội đồng, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn cụ thể để thông báo kịp thời cho các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan và nhân dân biết để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác kiểm tra (định kỳ/đột xuất) theo phân cấp về bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn (khu vực tiếp giáp với vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước); phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý/xử lý không đạt quy chuẩn cho phép vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật.

3. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và địa phương thường xuyên kiểm tra chất lượng nước cung cấp cho nhân dân ở các hệ thống cấp nước tập trung, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh; có giải pháp xử lý tốt các tình huống xấu về dịch bệnh.

4. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang:

- Xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ có hiệu quả cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trong mùa khô đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Tổ chức quan trắc, đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông, kinh, rạch và nội đồng; đồng thời, theo dõi diễn biến mặn để có biện pháp tổ chức vận hành công trình cống phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

- Tập trung kiểm tra, có giải pháp kiểm soát các khu vực cục bộ thường bị nhiễm mặn, hạn. Thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo theo quy định về diễn biến mặn nội đồng để có biện pháp tháo rửa kịp thời.

5. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang:

- Chuẩn bị tốt công tác đảm bảo nguồn nước đối với các trạm cấp nước bị ảnh hưởng khi hạn, mặn kéo dài; nạo vét các ao chứa và chủ động bơm bổ cấp nguồn nước để tăng khả năng trữ ngọt; theo dõi liên tục độ mặn trên sông để đảm bảo nước bổ cấp vào ao trữ nước theo chuẩn quy định.

Chuẩn bị tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc, các thiết bị, hóa chất dự phòng...; bảo trì các giếng khoan dự phòng để sẵn sàng vận hành bơm bổ cấp nguồn nước cấp cho người dân ở khu vực TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông khi nguồn nước mặt có độ mặn vượt quy chuẩn cho phép. Nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu để tiếp nhận, phân phối nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm trên địa bàn các huyện phía Đông.

- Phối hợp cùng địa phương (cấp huyện, xã) để tổ chức mở và quản lý các điểm cấp nước công cộng phục vụ cho Nhân dân vùng ngoài trạm cấp nước; chịu trách nhiệm bảo quản, thanh quyết toán chi phí mở các điểm cấp nước và lượng nước phục vụ Nhân dân khi mùa khô kết thúc.

- Xây dựng kế hoạch đảm bảo nước sinh hoạt cho các huyện, thành phố phía Đông trong suốt mùa khô năm 2024 - 2025, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

6. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Tổ chức kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, lập kế hoạch duy tu sửa chữa nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ ngọt; bảo trì, bảo dưỡng các giếng khoan dự phòng phục vụ sản xuất đã được tỉnh đầu tư trong các năm qua để đưa vào vận hành kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, hạn hán, mặn xâm nhập trên địa bàn để chủ động xây dựng Kế hoạch, Phương án phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025. Triển khai biện pháp gieo trồng hợp lý, quan tâm giải pháp cấp nước, trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân.

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt đảm bảo sử dụng nước hiệu quả. Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước, có biện pháp hướng dẫn người dân gieo trồng và bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý.

Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước tưới cho suốt vụ phải khuyến cáo người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng lựa chọn những loại cây phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Thường xuyên thông báo cho nhân dân biết tình hình hạn, xâm nhập mặn để người dân chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm và tổ chức tốt việc bơm tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô; hướng dẫn người dân dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện sửa chữa các công trình cống, đập, nạo vét các tuyến kênh, rạch đã được bố trí kinh phí; chuẩn bị sẵn sàng máy bơm để bơm chuyền cứu lúa. Bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn đảm bảo sản xuất không để tình trạng kinh, mương bồi lắng gây thiếu nước tưới.

P.V










 

.
.
.