Thứ Năm, 05/12/2024, 10:24 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Những gương sáng người có công

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bao lớp cha ông đã không quản hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân; khi hòa bình họ tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương. Đó là những tấm gương sáng để con cháu phấn đấu noi theo. Tại Hội nghị toàn quốc Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 diễn ra tại thủ đô Hà Nội vừa qua, tỉnh Tiền Giang có 5 đại biểu tham dự.

 Đoàn tỉnh Tiền Giang cùng cô Nga và các chú Lộc, Chất, Thanh, Sách đại diện người có công tiêu biểu của tỉnh dự Hội nghị toàn quốc tri ân người có công với cách mạng năm 2024 tại Hà Nội.
Đoàn tỉnh Tiền Giang cùng cô Nga và các chú Lộc, Chất, Thanh, Sách đại diện người có công tiêu biểu của tỉnh dự Hội nghị toàn quốc tri ân người có công với cách mạng năm 2024 tại Hà Nội.

1. Chú Trần Tấn Lộc (70 tuổi, ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) là một thương binh gương mẫu của địa phương. Chú Lộc cho biết: “Tôi tham gia cách mạng vào tháng 2-1970, đến ngày 21-11-1974 thì bị thương khi cùng đồng đội ở Huyện đội Cái Bè tham gia chiến đấu với quân địch. Sau hòa bình, tôi tiếp tục gắn bó với binh nghiệp cho đến lúc hưu trí”.

Nghỉ hưu, chú Lộc tiếp tục tham gia công tác xã hội tại huyện Cái Bè, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện; rồi sau đó là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thanh. Chú Lộc đã tích cực thực hiện công tác vận động hội viên, cựu chiến binh tham gia đóng góp xây dựng quê hương, hỗ trợ hội viên khó khăn làm kinh tế. Về với đời thường, chú Lộc vẫn giữ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng gia đình nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương.

2. Chú Nguyễn Hữu Chất (sinh năm 1952, khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) là tấm gương sáng thương binh vượt khó. Chú Chất tham gia chiến đấu trong biên chế của Thành đội Mỹ Tho rồi bị thương, đến năm 1977 thì phục viên.

Chú trở về quê trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có đất canh tác, không có vốn làm ăn. Chú Chất chia sẻ: “Quyết chí không chịu đói nghèo, tôi đã chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng. Tôi cùng với vợ buôn bán, dành dụm, tích lũy tiền xây dựng được nhà ở ổn định và nuôi con ăn học thành đạt”.

Không chỉ chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con thành tài, chú Chất còn chia sẻ, giúp đỡ người dân khó khăn ở địa phương như tặng quà, phát gạo cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… là việc làm thường xuyên của người thương binh này.

3. Cô Mai Thị Nga (81 tuổi, phường 5, TX. Cai Lậy), trong chiến tranh cô là một gương sáng phụ nữ kiên cường. Vừa bước sang tuổi 17, cô Nga gắn bó với phong trào phụ nữ địa phương. Cô là một “thủ lĩnh” của nữ giới, tích cực với các cuộc đấu tranh cách mạng.

Sa vào tay giặc, ròng rã 3 năm trường bị tù đày nhưng lòng kiên trung với Tổ quốc đã giúp cô vượt qua những trận tra tấn, đọa đày của kẻ thù. Sau khi ra tù, cô Nga tiếp tục gắn bó với phong trào cách mạng ở quê hương Cai Lậy cho đến ngày đất nước giành độc lập.

Sau hòa bình cho đến lúc nghỉ hưu, cô Nga được tổ chức điều động, phân công giữ nhiều vị trí công tác trên các lĩnh vực khác nhau. Dù ở cương vị nào, cô Nga - người phụ nữ kiên trung trong thời chiến ấy vẫn giữ nhiệt huyết với công việc và giữ tấm lòng trong.

Năm 2000, sau khi vừa nghỉ hưu theo chế độ thì cô Nga nhận nhiệm vụ tại Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Cai Lậy. Qua 20 năm công tác với vai trò Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội NCT huyện Cai Lậy, cô đã đưa hoạt động chăm lo NCT trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, hội viên tích cực tham gia vào các chương trình, cuộc vận động như: Chương trình “Mắt sáng cho NCT”; NCT chung sức bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Đặc biệt, với cuộc vận động “Nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho NCT”, cô Nga đã trực tiếp đến các xã vận động thành lập các Đội thể dục dưỡng sinh thu hút đông đảo NCT tích cực tập luyện...

Noi gương cha mẹ, cả 4 người con của cô Nga đều thành đạt và có nhiều đóng góp, cống hiến cho địa phương.

4. Chú Phạm Văn Thanh (sinh năm 1938, ấp Tây, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) là gương sáng thương binh. Chú Thanh sinh ra trong gia đình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. “Cha tôi tham gia cách mạng vào tháng 10-1930, sau đó bị địch bắt tù đày tại nhà tù Côn Đảo, bị tra tấn rồi hy sinh vào tháng 4-1944.

Cùng với mẹ tôi, còn có chị gái và chị dâu đều được Chủ tịch nước truy tặng và phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” - Chú Thanh nói.

Bản thân chú Thanh là thương binh, còn vợ chú cũng là người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Sau khi đất nước thống nhất, gia đình chú Thanh rất khó khăn. Với quyết tâm phấn đấu và nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, chú Thanh cùng với vợ buôn bán heo, dành dụm, tích lũy tiền xây dựng được nhà ở ổn định, mua được khoảng 8 công đất trồng lúa.

Cuộc sống ngày càng khá giả, các con chú đều có gia đình riêng và tham gia công tác tại địa phương. Những năm qua, gia đình chú Thanh rất nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương. Chú dạy các con, các cháu sống phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

5. Chú Phạm Chí Sách (67 tuổi, ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) cũng là tấm gương sáng thương binh. Chú Sách tham gia cách mạng vào tháng 5-1973 với chức vụ Trung đội trưởng, Đơn vị LQI thuộc khu Sài Gòn Gia Định và bị thương vào tháng 5-1974.

Chú Sách cho biết: “Sau hòa bình, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, không có vốn làm ăn. Với quyết tâm phấn đấu và nghị lực vượt khó trong cuộc sống, tôi đã cố gắng vươn lên làm giàu chính đáng với 11 công đất trồng sầu riêng. Tôi có 4 đứa con gái, các con đang đi làm ở TP. Hồ Chí Minh với công việc ổn định và cuộc sống khá giả”.

Bản thân và gia đình chú Sách luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, gia đình chú rất nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương.

MAI HÀ

 

.
.
.