Tiền Giang: Thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Riêng ở Tiền Giang, trong những năm qua đã thực hiện rất tốt chính sách bảo trợ xã hội (BTXH).
CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN
Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện các chương trình, chính sách, trong đó chú trọng đến một số yếu tố như: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm ổn định, an toàn với mức thu nhập bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững gắn với việc phát triển tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm được mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân, giảm dần các chính sách cho không, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; đa dạng hóa các nguồn lực tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Trợ cấp xã hội là một chính sách giúp cho người nghèo không có khả năng lao động được cung cấp thêm điều kiện để duy trì cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đến thăm, chúc tết và tặng quà cho đối tượng BTXH đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: MINH THÀNH |
Ngày 1-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 76 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20 ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Đối tượng BTXH theo quy định bao gồm: Người cao tuổi (NCT) thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được nhận hệ số 1,5 (tương ứng 750.000 đồng/tháng); NCT từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện nêu trên, đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, sẽ nhận hệ số 2 (tương ứng 1 triệu đồng/tháng); người từ đủ 80 tuổi trở lên, không thuộc diện nêu trên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, sẽ nhận hệ số 1 (tương ứng 500.000 đồng/tháng); NCT thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng sẽ nhận hệ số 3 (tương ứng 1,5 triệu đồng/tháng). Riêng người đơn thân hoặc góa vợ hoặc chồng thuộc hộ nghèo mà đang nuôi con ăn học được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho 1 con; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 750.000 đồng/tháng.
THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CÁC CHÍNH SÁCH BTXH
Những năm qua, công tác quản lý đối tượng BTXH được tỉnh quản lý chặt chẽ, từ đó đảm bảo chính sách của Nhà nước đến với người thụ hưởng. Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại thời điểm tháng 9-2024, toàn tỉnh có gần 91.900 đối tượng hưởng trợ cấp BTXH hằng tháng tại cộng đồng của tỉnh, tổng kinh phí thực hiện chính sách BTXH này lên đến trên 250 tỷ đồng.
Bên cạnh chi trợ cấp cho đối tượng BTXH trong cộng đồng, hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang đang quản lý 355 đối tượng, trong đó có 10 trẻ em dưới 16 tuổi và 1 người thuộc nhóm từ đủ 16 - 22 tuổi học nghề; 21 NCT neo đơn không nơi nương tựa; gần 300 người khuyết tật; 20 người đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp cùng với 1 đối tượng hưu trí, 1 đối tượng chính sách và 2 bệnh binh tâm thần. Nhìn chung, công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết tái hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng xã hội luôn đảm bảo theo đúng quy định.
Các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh đa số đều thực hiện đầy đủ các chế độ nuôi dưỡng, phục vụ đối tượng như: Ăn, mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, chăm sóc sức khỏe đối tượng, tổ chức điều trị bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân tâm thần uống thường xuyên, luyện tập phục hồi chức năng và mua bảo hiểm y tế cho tất cả đối tượng.
Ông Dương Hồng Phát, thương binh hạng 2/4 hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chia sẻ: “Tôi không còn thân nhân, nhiều năm nay, trung tâm là mái nhà của tôi. Ở đây, tôi được chăm sóc chu đáo và hưởng đầy đủ chế độ của Nhà nước”. Cùng với chi trợ cấp thường xuyên và nuôi dưỡng đối tượng BTXH tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Tiền Giang cũng thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất cho người dân gặp khó khăn.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 cơn lốc xoáy ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Cai Lậy đã gây thiệt hại về nhà cửa và tài sản của người dân, uớc tính khoảng 3,5 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả cho người dân, hỗ trợ thiệt hại theo quy định.
MAI HÀ