Tiền Giang: Thực hiện tốt Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời
Đây là đánh giá của đồng chí Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng chí Đặng Hoa Nam cho rằng, qua kiểm tra và giám sát thực tế, Tiền Giang đã triển khai đồng bộ và thực hiện có kết quả rất tốt “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định 1437.
TRIỂN KHAI ĐẦY ĐỦ
Mục tiêu chung của Đề án là bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ em được Tiền Giang đặc biệt quan tâm và thực hiện hiệu quả. |
Trong đó, Đề án đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phấn đấu 70% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội, mục tiêu này đến năm 2025 là 90%.
Giai đoạn đến năm 2020 phấn đấu 70% và giai đoạn đến năm 2025 là 90% cán bộ làm công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
Giai đoạn đến năm 2020 là phấn đấu 50% và giai đoạn đến năm 2025 là 90% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình “Chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng”.
Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện đạt chỉ tiêu nêu trên, trong đó, thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác trẻ em của các ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời…
Một nhiệm vụ nữa mà Đề án đưa ra đó là trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em phù hợp với nhu cầu phát triển và độ tuổi. Ưu tiên tư vấn, hướng dẫn việc chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời và phụ nữ mang thai, hỗ trợ giáo dục sớm, chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm phúc lợi xã hội và bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực.
Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, mạng lưới kết nối chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Thí điểm triển khai các mô hình và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng dẫn nhân rộng mô hình sau 3 năm triển khai.
Thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Đề án, chất lượng các dịch vụ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em và môi trường hỗ trợ việc tiếp cận các dịch vụ cho trẻ em…
THỰC HIỆN HIỆU QUẢ
Ngay từ khi Quyết định 1437 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án đã được các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ. Đến nay, toàn bộ các chỉ tiêu mà Đề án đưa ra cho giai đoạn 2021 - 2025 đã được Tiền Giang thực hiện đạt và vượt.
Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong những năm đầu đời, xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em khó khăn. |
Theo đó, việc chăm sóc y tế trẻ em từ 0 - 8 tuổi được đẩy mạnh, công tác tiêm chủng được xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm tiến độ. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em được khám và điều trị đảm bảo theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.
Tiền Giang đã phát triển được hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình trên khắp địa bàn dân cư trong tỉnh; 100% các xã, phường, thị trấn đều có cung cấp dịch vụ khám thai, tỷ lệ quản lý thai và khám thai đã đạt đến mức độ bao phủ do người dân ngày càng thay đổi nhận thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được nâng cao, tỷ lệ quản lý thai đạt rất cao (99,2%).
Bên cạnh đó, phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV đầy đủ, quản lý thai nghén với tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được thực hiện rất tốt, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con 5 năm gần đây dưới mức 0,08%.
Trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A mỗi năm 2 lần được thực hiện thường quy với tỷ lệ đạt trên 99,5%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng miễn dịch cơ bản đạt mức cao; tổ chức tẩy giun cho trẻ từ 25 - 60 tháng tuổi, các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em để thực hiện các mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Hiện tại, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh nhiều năm duy trì ở mức thấp.
Trong lĩnh vực giáo dục, những năm qua, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non và 133 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục với tổng số 1.834 nhóm, lớp. Tổng số trẻ đến trường là gần 56.000 trẻ.
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở bậc nhà trẻ là 18,5%, bậc mẫu giáo là gần 88%, trong đó số trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ 6 đến 14 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung triển khai Chương trình Giáo dục mầm non; Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ em trong các độ tuổi theo quy định...
THỦY HÀ