TX. Cai Lậy: Tín dụng chính sách - "chìa khóa" mở cửa thoát nghèo
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp để lan tỏa nguồn vốn này. Với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, các chương trình TDCS đã phát huy hiệu quả.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TX. Cai Lậy, thời gian qua, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội đã thật sự đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động TDCS. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai TDCS.
Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TX. Cai Lậy thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện. Đến nay, Chủ tịch UBND 16 xã, phường trên địa bàn TX. Cai Lậy đã tham gia thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã.
Đặc biệt là thường xuyên tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động TDCS tại cơ sở.
Nhờ nguồn vốn vay hộ thoát nghèo, chị Mơ đã đầu tư vào vườn sầu riêng và mang lại trái ngọt. |
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động TDCS xã hội; chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình TDCS. Đồng thời, thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV); đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCS xã hội.
Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình TDCS, cụ thể là thông qua việc lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi mà nhiều gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Mơ (ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước tây, TX. Cai Lậy) là hộ nghèo tại địa phương. Với sự nỗ lực vươn lên, đến năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo. Thời điểm này, gia đình chị đang trồng 4 công sầu riêng được khoảng 1 năm tuổi, nhưng thiếu vốn để đầu tư.
Đến năm 2021, khi biết thông tin về chương trình TDCS ưu đãi cho hộ thoát nghèo, gia đình chị đã vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình chị đã đầu tư vào vườn sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình chuẩn bị thu hoạch vụ thứ 2.
Vụ đầu, vườn sầu riêng thu hoạch được 3 tấn, bán với giá 133.000 đồng/kg, thu lợi nhuận khá. Ngoài vay vốn từ chương trình hộ thoát nghèo, chị còn vay vốn từ Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên (HS-SV).
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Bé đã có điều kiện cho con ăn học thành tài. |
“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tôi mới có điều kiện để đầu tư cho vườn sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình. Không có nguồn vốn này thì vay ở bên ngoài lãi suất cao, sản xuất không có lợi nhuận” - chị Mơ chia sẻ.
Thời điểm năm 2010, gia đình bà Lê Thị Bé (ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây) là hộ nghèo tại địa phương. Nhà chỉ có 2 công đất trồng lúa nên kinh tế gia đình rất khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống. Thời điểm này, người con trai thứ 3 của bà Bé là anh Lê Minh Cảnh bước vào giảng đường đại học. Do cuộc sống gia đình còn khó khăn nên tưởng chừng giấc mơ đại học của anh Cảnh đã dở dang.
Đến năm 2011, khi biết thông tin về Chương trình vốn vay ưu đãi của NHCSXH cho HS-SV, bà đã đến Tổ TK&VV trên địa bàn ấp để vay. Gia đình bà Bé đã vay tổng cộng 38,6 triệu đồng cho con đi học. Sau khi ra trường, anh Cảnh đã tìm được việc làm ổn định trong lĩnh vực xây dựng và phụ giúp gia đình. Đến năm 2019, gia đình bà Bé đã trả hết nguồn vốn vay từ NHCSXH.
ĐỂ VỐN TÍN DỤNG LAN TỎA
Theo Phòng Giao dịch NNCSXH TX. Cai Lậy, hoạt động TDCS xã hội trong 10 năm qua trên địa bàn thị xã đã huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương. Tính đến hết tháng 11-2024, doanh số cho vay 11 tháng là hơn 116,1 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 76,5 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt trên 347,5 tỷ đồng, gồm 8.079 hộ vay còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng đạt hơn 39,5 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng CSXH được phủ đều đến 100% xã, phường trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quốc Tỉnh - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH TX. Cai Lậy cho biết, trong thời gian tới, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tậm phục vụ”, đơn vị cùng các cấp hội, đoàn thể thị xã tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng công tác nhận ủy thác, chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phòng Giao dịch sẽ tiếp tục tuyên truyền các chương trình TDCS ưu đãi của Chính phủ như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay HS-SV có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nhà ở xã hội, người chấp hành xong án phạt tù và đặc biệt chú trọng chương trình cho vay xuất khẩu lao động đối với thanh niên chưa có việc làm ổn định. Phòng Giao dịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các dự án, mô hình, các gương điển hình tiên tiến trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCS.
Q. TỈNH - ANH THƯ - T.H