Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng nhiều mô hình, giải pháp thích ứng hiệu quả.
|
Biến đổi khí hậu kết hợp với El Nino đã khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hơn. Ảnh: Lê Phương |
“Đồng khởi mới” trong trữ nước ngọt
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, do hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.189 ha lúa bị giảm năng suất và 43 ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã làm 73.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 diễn biến phức tạp, độ mặn 4% xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 53-66,4 km; độ mặn 1% xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 71,3-76 km. Để ứng phó, tỉnh đẩy mạnh phong trào “Đồng khởi mới” trong trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; các huyện ven biển phát động hình thành một số mô hình chuyên canh, xen canh, sản xuất theo công nghệ cao. Điển hình như gia đình của ông Lưu Văn Việt ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú có khoảng hơn 2 ha đất nông nghiệp nằm gần giáp cửa sông ra biển. Những năm gần đây, ông Việt và nhiều bà con nơi đây chuyển đổi sang mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác được nâng cao, giúp tăng thu nhập cao hơn so trước đây.
Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, công trình hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (huyện Ba Tri) khởi công từ cuối năm 2022 và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2025. Đến nay, hạng mục chính là hồ chứa nước đã cơ bản hoàn thành, có thể đáp ứng được nhu cầu trữ nước ngay trong năm nay.
Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Bến Tre chọn huyện Ba Tri để làm hồ chứa nước đầu tiên vào năm 2017. Trong mùa khô 2015-2016, nước mặn bao phủ toàn tỉnh, riêng huyện Ba Tri nằm giáp biển, diện tích lúa, cây trồng và gia súc chủ yếu dựa vào nguồn nước ngọt nên bị thiệt hại nặng nề nhất.
Ngay sau đó Bến Tre đã chi 85 tỷ đồng để xây dựng hồ chứa nước ngọt đầu tiên trên tuyến kênh Lấp (tuyến kênh đào có từ khoảng năm 1900) với chiều dài 7 km. Hồ chứa nước nhân tạo này có sức chứa hơn 800.000 m3 nước, đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong khoảng sáu tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000 ha đất nông nghiệp tại địa phương. Đến năm 2022, Bến Tre đã cho khởi công dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa với diện tích khoảng 124 ha, tổng vốn hơn 352 tỷ đồng. Chỉ riêng huyện Ba Tri, thời gian tới ước tính sẽ có hơn 3 triệu m3 nước ngọt để phục vụ người dân trong mùa khô.
Lo ngại tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập, tỉnh Cà Mau cũng vừa đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt tại huyện U Minh. Sau nhiều lần điều chỉnh vốn, công trình hồ chứa có dung tích hơn 3,8 triệu m3 này có tổng vốn cuối cùng là 248 tỷ đồng. Hồ chứa nước ngọt tỉnh Cà Mau được kỳ vọng sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 11.000 hộ dân ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, đồng thời trữ nước phục vụ dự phòng chữa cháy rừng, sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang cũng đang xây dựng báo cáo đề xuất dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt ở huyện Gò Công Tây, thành phố Gò Công, huyện Gò Gông Đông và huyện Tân Phú Đông. Đây là vùng đã từng xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô 2024.
Cấp bách đề án ứng phó tổng thể
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long, áp dụng trong mùa khô năm 2024-2025 (từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025). Theo đánh giá, nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là một số huyện, thị xã thuộc các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ... Để giảm nguy cơ thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cửu Long chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đang xây dựng đề án tổng thể về phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn, nước sạch, nước sinh hoạt... cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi có đề án này, sẽ có giải pháp tổng thể, dài hạn cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần phải rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì nguy cơ bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất. |
Về giải pháp các địa phương đang triển khai, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định, xu thế đầu tư hồ trữ nước ngọt tại các tỉnh ven biển là đúng đắn. Song quá trình thực hiện cần phải lưu ý nhiều vấn đề về kỹ thuật, bởi đã có những bài học được rút ra từ một số công trình hồ trữ nước, thí dụ như hồ trữ nước kênh Lấp (Bến Tre) bị nhiễm mặn sau khi đưa vào sử dụng. Mặt khác, cần cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung. Bởi công trình lớn có thể tiện lợi cho việc quản lý, lắp đặt nhà máy xử lý nước nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng nước phân bố phân tán có thể xa và tốn kém, làm tăng giá thành nước.
Còn theo ông Trần Duy An, Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, cần xây dựng bổ sung công trình chuyển nước, bảo đảm nguồn nước cho vùng sản xuất ngọt, gồm: huyện U Minh, Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang). Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng thuộc vùng sản xuất ngọt để tạo điều kiện cho điều tiết, phân phối nguồn nước vào kỳ khô hạn cho các kênh thủy lợi, bảo đảm mực nước tối thiểu trong kênh.
(Theo nhandan.vn)