Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm 2024, người dân, doanh nghiệp đã bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao lừa đảo số tiền lên đến 18.900 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, cứ 220 người dùng thiết bị thông minh thì có một người bị “sập bẫy” lừa đảo.
|
Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng an toàn. Ảnh: NAM ANH |
Chiêu thức tinh vi
Lừa đảo trực tuyến đang ám ảnh nhiều người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt vào dịp cuối năm, khi các giao dịch diễn ra thường xuyên hơn thì nguy cơ tấn công mạng, lừa đảo cũng nhiều hơn. Các hình thức khiến người dân dễ dính bẫy nhất là dụ dỗ tham gia các đầu tư ảo, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Đơn cử như vụ việc liên quan đến Phó Đức Nam. Đối tượng này đã kỳ công xây dựng hình ảnh một “chuyên gia tài chính” thành đạt trên mạng xã hội khiến hàng nghìn người tin tưởng đổ tiền tham gia vào các dự án tài chính do chính y tự dựng lên. Theo đó, từ năm 2019, Phó Đức Nam đã lập các nhóm kín trên các nền tảng như Zalo, Telegram và Viber, mời gọi người dân tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán giả mạo. Từ số tiền nhỏ ban đầu, đối tượng đã dẫn dụ các nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn. Đến khi bị khởi tố, tổng số tiền mà băng nhóm này thực hiện giao dịch lên tới hơn 5.200 tỷ đồng.
Những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo càng khiến các hoạt động lừa đảo, rửa tiền... có xu hướng gia tăng nhanh chóng với tính chất phức tạp hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, các vụ lừa đảo lợi dụng trí tuệ nhân tạo đã tăng tới hơn ba nghìn vụ trong giai đoạn 2022-2023. Hình thức phổ biến mà các đối tượng thường thực hiện như deepfake (giả giọng nói và hình ảnh “chính chủ” giống như thật với chất lượng cao) để lừa tiền, thao túng hành vi… Đáng nói, không chỉ các cá nhân, mà các tổ chức tài chính, ngân hàng vốn được bảo mật kỹ lưỡng cũng nằm trong tầm ngắm của những đối tượng này.
Chủ động nhận diện các tình huống lừa đảo
Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình tội phạm sử dụng internet lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2024, các đơn vị chức năng đã tiếp nhận tới 461 vụ việc liên quan đến lừa đảo với tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong số này, các cơ quan chức năng đã khởi tố 242 vụ án. Một loại hình tội phạm mới đang diễn ra và có xu hướng lan rộng là kêu gọi đầu tư vào các dự án crypto, tiền ảo, tiền mã hóa, giao dịch trên các nền tảng trái phép. Rất nhiều khuyến cáo đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhưng nhiều người vẫn hám lợi để rồi "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo.
Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc điều tra, phá án các vụ lừa đảo trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhiều đối tượng chính điều hành là người nước ngoài câu kết với đối tượng ở Việt Nam để thiết lập mạng lưới hoạt động. Băng nhóm này dù cùng tổ chức nhưng thực hiện nhiệm vụ riêng rẽ và không biết thông tin của nhau. Thêm nữa, các nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến cũng không thể mô tả đặc điểm nhận dạng, cung cấp thông tin lai lịch đối tượng nghi vấn cho cơ quan điều tra nên việc truy xét đối tượng theo các biện pháp nghiệp vụ vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2023, tổng thiệt hại từ các hình thức lừa đảo trực tuyến trên thế giới vào khoảng 12,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so năm 2022. Đặc biệt, con số này đã tăng gấp đôi so năm 2021. |
Chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu, Giám đốc Dự án Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đánh giá, việc nhận thức và chủ động với các phương thức, tình huống mà các đối tượng sử dụng là cách để hạn chế đến mức thấp nhất việc “sập bẫy” lừa đảo. Khi gặp các tình huống lừa đảo trực tuyến, cá nhân, doanh nghiệp cần bình tĩnh để kiểm chứng, đối chiếu với các thông tin chính thống nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Theo Thượng tá Đới Ngọc Thắng, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngân hàng với cơ quan công an để phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Đồng thời, người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, tự biết bảo vệ mình, bớt hám lợi để tránh "sập bẫy" lừa đảo.
(Theo nhandan.vn)
.