Niềm vui trên tuyến kè phòng, chống sạt lở kinh 28
Thời gian qua, bờ kinh 28 qua địa phận huyện Cái Bè xảy ra nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhiều hộ dân. Trước tình hình trên, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều đoạn kè xử lý sạt lở trên kinh 28. Người dân địa phương rất phấn khởi khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên kinh 28 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi của người dân. |
Theo thống kê, thời gian qua, tuyến kinh 28 thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 3.760 m. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn liên xã của huyện Cái Bè. Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven theo kinh 28 và 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Trước tính cấp bách trên, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đầu tư Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên kinh 28. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng, với chiều dài tuyến kè là 2.373 m, gồm 10 đoạn, chia làm 3 gói thầu xây lắp.
Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 200 tỷ đồng và phần còn lại sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Dự án được tổ chức động thổ và triển khai thi công vào cuối tháng 6-2024.
Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vượt kế hoạch tiến độ đề ra. Sau khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, Ban Quản lý dự án đã tiếp tục triển khai đầu tư thêm một đoạn kè khoảng 300 m tại xã Thiện Trung, với kinh phí khoảng 26 tỷ đồng từ chi phí tiết kiệm sau đấu thầu. Hiện chủ đầu tư đang quyết tâm hoàn thành đoạn kè này trước Tết Nguyên đán năm 2025.
Có thể nói, việc triển khai công trình kịp thời và đưa vào sử dụng trước tiến độ đã đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương. Bà Huỳnh Kim Phụng (ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) cho biết, tuyến kinh 28 đoạn qua khu vực này trước đây bị sạt lở rất nghiêm trọng, gây chia cắt đường giao thông trước nhà và có nguy cơ ăn sâu vào ngôi nhà, gia đình bà luôn sống trong lo sợ.
Bà Phụng phấn khởi nói: “Nếu không đầu tư kè chống sạt lở kịp thời thì sạt lở sẽ tiếp tục ăn sâu vào bên trong. Bờ kè làm xong tôi cũng như người dân ở đây rất mừng, an tâm sinh sống, đầu tư kinh doanh”.
Cũng như nhiều hộ dân sinh sống cặp kinh 28, ông Nguyễn Văn A (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) không giấu được niềm vui khi đoạn kè trước nhà vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chỉ tay về phía bờ kè khang trang vừa được đầu tư, ông A cho biết: “Trước đây, ở khu vực này có 4 căn nhà, nhưng đã bị sạt lở xuống kinh.
Người dân tự gia cố nhưng sạt lở vẫn tiếp tục tái diễn. Do đó, khi nhà nước đầu tư bờ kè này chúng tôi rất mừng, không còn phải phập phồng lo sợ sạt lở nữa. Bờ kè được đầu tư khang trang cũng tạo điều kiện cho người dân có không gian sinh hoạt, tập thể dục hằng ngày”.
Cũng tại xã Đông Hòa Hiệp, giờ đây, gia đình bà Nguyễn Thị Diễm Loan không còn phải sống trong cảnh lo sợ bởi sạt lở. Đoạn đường giao thông bị sạt lở ăn sâu vào giờ đây đã được thay thế bởi bờ bè khang trang, chắc chắn.
Bà Loan vui mừng cho biết: “Mong muốn của người dân ở đây giờ đã thành sự thật. Giao thông giờ đi lại được thuận tiện, không còn lo sạt lở nữa. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước đã đầu tư bờ kè để người dân an tâm làm ăn, sinh sống”.
Trên thực tế, hiện tuyến kinh 28 vẫn còn nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của người dân. Do đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí để đầu tư các công trình xử lý sạt lở. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở trên tuyến kinh 28 để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh để có hướng xử lý nhằm mục đích ổn định dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
M. THÀNH