.
NỖ LỰC PHỦ KÍN MẠNG LƯỚI NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Bài 1: Khi chính quyền vào cuộc

Cập nhật: 10:23, 10/01/2025 (GMT+7)

Những năm qua, Tiền Giang tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới cấp nước sạch, từng bước phủ kín mạng lưới cấp nước sạch nông thôn. Song, qua khảo sát thực tế, vẫn còn nhiều hộ dân nông thôn chưa tiếp cận được nguồn nước máy tập trung; công nghệ, năng lực, quy trình xử lý của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế. Do đó, cần xây dựng chiến lược lâu dài, sớm có giải pháp cho vấn đề trên.

Tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang, cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn luôn là vấn đề “nóng” được đại biểu và cử tri phản ánh trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri, các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.

CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT

Cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cũng như các quy định của Trung ương liên quan việc cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Công ty TNΗΗ MTV Cấp nước Tiền Giang về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất,  kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với Công ty TNΗΗ MTV Cấp nước Tiền Giang về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn, mùa khô hạn, đề ra nhiều giải pháp với từng kịch bản khác nhau nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang Hà Thiện Ý cho biết, từ năm 2017 đến nay, Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh: 2 công văn, 5 kế hoạch, 12 quyết định liên quan đến vấn đề cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước máy tập trung; đồng thời, tổ chức làm việc với lãnh đạo các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các huyện còn số hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước máy tập trung (nguồn nước từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung) nhiều như: Các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Cái Bè...

Cùng với đó, lãnh đạo các huyện, thị, thành trên địa bàn tập trung lãnh đạo, đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đơn cử như huyện Cái Bè đã giải quyết những nơi bức xúc, khó khăn về nguồn nước sạch cho nhân dân sử dụng.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Cái Bè Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, qua ý kiến của cử tri, HĐND huyện thành lập Đoàn đi khảo sát thực tế và thấy rằng, không chỉ hộ dân nằm trong vùng lõm, vùng người dân sống thưa thớt thiếu nước máy tập trung, mà cả những nơi dân cư sinh sống đông, điển hình như tại ấp 3, ấp 4 của xã Tân Hưng nằm trên huyện lộ 82, trong đó có một đường nhánh lộ 3 m cặp con sông, người dân rất đông nhưng vẫn chưa tiếp cận nguồn nước từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung.

Sau khảo sát, HĐND huyện Cái Bè làm việc với UBND huyện và đề ra giải pháp giải quyết cho khu vực dân bức xúc cần nước để sử dụng.

Theo đó, dù ngân sách khó khăn nhưng sau khi xem xét, huyện đã quyết định trích một phần ngân sách khoảng 5,2 tỷ đồng trong nguồn tăng thu cùng với vận động xã hội hóa để hỗ trợ một phần của ấp 3, ấp 4 xã Tân Hưng với trên 200 hộ dân có nước sạch sử dụng trong năm 2023. Huyện Cái Bè có gần 80.000 hộ dân trên địa bàn 25 xã, thị trấn, tỷ lệ số hộ sử dụng nước từ công trình hệ thống/trạm cấp nước tập trung chiếm 98,98%.

Còn tại huyện Gò Công Đông, theo lãnh đạo UBND huyện, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện đã được đầu tư các tuyến ống nước từ nguồn vốn của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang và nguồn xã hội hóa một phần nên đã nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung đến cuối năm 2024 tăng lên 93,09%)...

NÂNG TỶ LỆ HỘ DÂN SỬ DỤNG NƯỚC MÁY

Thời gian qua, công tác đầu tư công trình cấp nước giai đoạn từ ngày 1-1-2021 đến ngày 30-6-2024 đã được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Điển hình như, để đảm bảo đủ áp cung cấp cho tất cả các hộ dân trên mạng lưới hiện hữu và phát triển thêm các tuyến ống nhánh đến các cụm dân cư chưa có nước sử dụng địa bàn các huyện phía Đông, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công nhằm bổ cấp nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các khu vực thiếu nguồn nước cung cấp trên địa bàn các huyện phía Đông, với tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 5 năm (2020 - 2024).

Dự án đã hoàn thành và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang để triển khai thực hiện đấu nối cấp nước cho người dân khu vực phía Đông của tỉnh. Theo Kế hoạch 82 ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đầu tư xây dựng 204 công trình (giai đoạn 1 là 111 công trình và giai đoạn 2 là 93 công trình), kết quả đã triển khai thực hiện 170 công trình/204 công trình, chiếm 83,33%.

Bên cạnh đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, để giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô hằng năm, căn cứ Kế hoạch 82 ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2020 và sau năm 2020, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư 4 giếng khoan dự phòng phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn (gồm 2 giếng ở xã Đăng Hưng Phước, 1 giếng Nhà máy nước TX. Cai Lậy, 1 giếng Nhà máy nước Cái Bè), nâng số giếng dự phòng phục vụ sinh hoạt là 24 giếng.

Đồng thời, đăng ký Dự án Đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn vào Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang trình HĐND tỉnh xem xét.

Theo đó, Dự án Đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn được HĐND tỉnh thông qua, thống nhất phân bổ kinh phí ngân sách hỗ trợ đầu tư là 12 tỷ đồng; được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2027.

Không dừng lại ở đó, nhằm duy trì hoạt động cấp nước của các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, UBND các huyện, thị, thành đã huy động tất cả các nguồn lực, phối hợp với các tổ chức, cá nhân cấp nước trên địa bàn triển khai thực hiện 58 dự án nâng cấp, cải tạo và phát triển tuyển ống cấp nước cho vùng lõm với tổng kinh phí thực hiện 50,653 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang triển khai thực hiện 145 dự án nâng cấp cải tạo và phát triển tuyến ống cấp nước cho vùng lõm với tổng kinh phí thực hiện 144,742 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị, thành của tỉnh Tiền Giang đề xuất UBND tỉnh cho phép cải tạo, nâng cấp, mở rộng 17 công trình trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn nhằm đảm bảo đủ nguồn và nâng chất lượng nước đạt quy chuẩn trong phạm vi vùng cấp nước; đề xuất chuyển đổi chủ sở hữu 4 tổ hợp tác cấp nước yếu kém sang loại hình quản lý khác hiệu quả hơn (tư nhân; doanh nghiệp, công ty tư nhân; doanh nghiệp nhà nước) theo đúng trình tự thủ tục quy định.

Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, tính đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 598 trạm/hệ thống cấp nước tập trung, đang cung cấp cho trên 670.843 hộ dân và khách hàng. Trong đó, có 22 nhà máy nước mặt, 75 trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý cung cấp nước sạch cho trên 268.544 đấu nối khách hàng và 523 trạm cấp nước đang cung cấp cho 402.299 hộ dân nông thôn, chiếm 96,69%.

Theo đó, tỷ lệ bao phủ cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Cụ thể, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024 là 99,77% với mức cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm.

Khu vực nông thôn, đến cuối năm 2024, tổng số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 412.304 hộ, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung 96,77%, tăng 0,67% so với năm 2021.

Với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống/trạm cấp nước tập trung đạt trên 97% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra đến cuối năm 2025, thì Tiền Giang vẫn cần tập trung nhiều việc.

HOÀI THU

(còn tiếp)

 

 

 

 

.
.
.