Thứ Tư, 15/01/2025, 07:52 (GMT+7)
.
NỖ LỰC PHỦ KÍN MẠNG LƯỚI NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Bài 2: Nhận diện khó khăn, bất cập

Bài 1: Khi chính quyền vào cuộc

Những năm qua, Tiền Giang huy động nhiều nguồn lực từng bước hoàn thiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được nguồn nước tập trung, nước sinh hoạt chưa đảm bảo, thậm chí phải dùng nguồn nước không đạt theo quy chuẩn quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe.

TRÊN 13.000 HỘ DÂN CHƯA TIẾP CẬN NƯỚC MÁY

Bà Nguyễn Thị Kim Em (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, người dân ấp Thạnh Thới (xã Đồng Sơn) sử dụng nguồn nước từ giếng khoan của trạm cấp nước thuộc các tổ hợp tác ở xã Đồng Sơn; trong đó, có một số trạm chất lượng nước kém.

 Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh  lắng nghe ý kiến hộ dân tại xã Đồng Sơn còn thiếu nước sạch trong mùa khô và chất lượng nước sinh hoạt chưa đảm bảo quy chuẩn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh lắng nghe ý kiến hộ dân tại xã Đồng Sơn còn thiếu nước sạch trong mùa khô và chất lượng nước sinh hoạt chưa đảm bảo quy chuẩn.

Dù biết nguồn nước chưa đảm bảo, nhưng người dân cũng phải sử dụng do không có nguồn nước khác thay thế. “Mỗi khi tiếp xúc cử tri, tôi đều kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm đầu tư nước sạch BOO (nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm) cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có công trình, dự án về”- bà Kim Em chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ trạm, hệ thống cấp nước tập trung của huyện Gò Công Tây đạt khá cao, nhưng còn một số xã sử dụng nguồn nước từ giếng khoan làm nguồn cung cấp nước tập trung như ở: Xã Thạnh Nhựt, xã Bình Nhì, một phần xã Vĩnh Hựu, một phần xã Đồng Thạnh và xã Đồng Sơn.

Trong đó, ở xã Đồng Thạnh, mặc dù có 100% người dân sử dụng nước từ nguồn nước trạm cấp nước tập trung (của các đơn vị, tổ hợp tác) nhưng chất lượng nước không đạt quy chuẩn, vì vậy hiện khoảng 90% người dân chưa có nước sạch đạt chuẩn sử dụng, mà phải sử dụng nước từ lu, bình trữ nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, do huyện Gò Công Tây nằm trên vùng đất phèn mặn, hằng năm vào mùa khô (kéo dài từ 3 đến 5 tháng), việc cung cấp nước cho người dân gặp rất nhiều khó khăn (thiếu nước, nước không đảm bảo chất lượng).

Tình trạng này hầu như hộ dân nào cũng chịu; bởi khi nước còn trong nội đồng thì nguồn nước đảm bảo cho việc cung cấp sử dụng, nhưng đến mùa khô hạn, các kinh, mương đều cạn nước, những hộ cuối nguồn không còn nước để sử dụng.

Hay tại xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè), những năm qua, nhiều hộ dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch sử dụng. Theo lãnh đạo xã Mỹ Trung, xã có 2.313 hộ dân, hiện nay 2.068 hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, chiếm 89,41%; còn 245 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng, chiếm 10,59%.

Theo chia sẻ của một số hộ dân tại đây, hiện người dân sử dụng nguồn nước chủ yếu từ nước mưa, sông, ao, hồ qua xử lý lắng lọc; một số hộ khoan cây nước để sử dụng hằng ngày cho nhu cầu tắm, giặt; còn nước uống mua từng bình nước để uống. Đây cũng là tình trạng chung ở các địa phương chưa được đầu tư mạng lưới cấp nước, nhất là vào mùa khô, vấn đề thiếu nước càng bức xúc hơn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2024, tổng số hộ dân chưa được tiếp cận nguồn nước sạch từ các trạm, hệ thống cấp nước tập trung, chưa thể đầu tư mạng lưới cấp nước đến nay là 13.771 hộ (chiếm 3,31%).

Trong đó, ở một số huyện, tỷ lệ hộ dân chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm, hệ thống cấp nước tập trung còn cao như: Huyện Cái Bè 818 hộ, chiếm 1,02%; huyện Gò Công Đông 3.014 hộ, chiếm 8,92%; huyện Gò Công Tây 928 hộ, chiếm 2,8%.

LO LẮNG VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC

Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát chuyên đề về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đợt giám sát này, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại nhiều hộ dân, những vùng thiếu nước sạch, những nơi chưa được tiếp cận nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm tại nhiều xã trên địa bàn các huyện, thị, thành. Tại những nơi này, nhiều hộ dân lo lắng tình trạng chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo theo quy định.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại nhà hộ dân chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại nhà hộ dân chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè.

Theo báo cáo của các huyện, thị, thành, từ kết quả kiểm tra giám sát chất lượng nước của Sở Y tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 491/523 trạm cấp nước có chất lượng nước đạt quy chuẩn (chiếm 93,88% số trạm cấp nước nông thôn), cung cấp cho 382.785 hộ dân (chiếm 91,20% số hộ dân nông thôn).

Còn 32 trạm có chất lượng nước không đạt quy chuẩn do nhiễm phèn, sắt, vi sinh, mặn, asen... (chiếm 6,12% số trạm cấp nước nông thôn), cung cấp cho 19.514 hộ dân (chiếm 4,69% số hộ dân nông thôn).

Theo phân tích của Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang Hoàng Thị Quỳnh Diệu, do đặc điểm địa chất thủy văn nguồn nước dưới đất một số khu vực ở phía Đông của tỉnh bị nhiễm mặn; nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm chưa được kéo đến nhưng không có nguồn nước cấp khác thay thế, vì vậy vẫn còn 5 trạm cấp nước trên địa bàn huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây và TP. Gò Công có chỉ tiêu mặn vượt quy chuẩn quy định.

Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành trạm cấp nước chưa được quan tâm; các công trình trạm cấp nước nông thôn chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, bảo trì đúng mức dẫn đến tình trạng xuống cấp.

Đồng thời, chi phí xử lý nước đảm bảo theo quy định lớn nên đa phần các tổ hợp tác, hợp tác xã chỉ thực hiện vệ sinh, súc, rửa đường ống, xử lý clo để khử khuẩn nên chưa thể xử lý triệt để các chất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Do tính đặc thù của nước là nguồn thiết yếu cung cấp cho người dân nên chưa thể chấm dứt ngay hoạt động của các trạm cấp nước nông thôn có chất lượng không đạt theo quy định, do chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư công trình cung cấp nước để thay thế.

Còn theo phân tích của UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước máy tập trung cũng như chất lượng nước chưa đảm bảo quy chuẩn, trong đó nguyên nhân chính là nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp và phải đầu tư cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó tỉnh chỉ ưu tiên đầu tư đối với các công trình chính, bức xúc. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình cấp nước chính lớn, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện không thể cân đối để thực hiện ngay, nếu phân khúc đầu tư thì chưa thể cung cấp nước đến các hộ dân được.

Mặt khác, do gia tăng dân số, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lưu lượng và áp lực nước phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh, cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước gồm: Nguồn cấp nước, trạm tăng áp, tuyến ống chuyển tải chính, hệ thống tuyến ống chuyển tải thứ cấp để kết nối cấp nước đến các hộ dân và các công trình phụ trợ khác.

Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước cần thời gian và nguồn kinh phí lớn mà ngân sách tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, do đặc thù vùng nông thôn, đối với các hộ xa các đường giao thông, xa tuyến ống chính (số hộ ít, thưa thớt) thuộc vùng lõm chưa có đơn vị cấp nước cung cấp, hiện tại các hộ này đang sử dụng nguồn nước mưa, kinh, rạch… phục vụ cho mục đích sinh hoạt, không đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị cấp nước sinh hoạt phục vụ, các đơn vị cấp nước (tổ hợp tác, hợp tác xã, tư nhân…) không thể đầu tư vào do cần đầu tư nguồn cấp và hệ thống tuyến ống riêng nhưng số hộ cấp ít, hiệu quả đầu tư không cao.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Hồ Hữu Nhân cho biết thêm, nhu cầu cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng lưới đường ống hiện hữu, đầu tư mạng lưới đường ống phân phối còn rất lớn nhưng năng lực tài chính công ty có hạn.

Công ty chỉ có nguồn vốn duy nhất để đầu tư là khấu hao tài sản cố định. Nguồn vốn này chỉ đủ để tái đầu tư giản đơn, còn đầu tư mới và tái mở rộng thì phải vay ngân hàng nên khó đủ vốn thực hiện đầu tư phát triển.

Do giới hạn về nguồn vốn nên công ty không thể thực hiện hết các công trình theo Kế hoạch 435 ngày 17-10-2023 của UBND tỉnh và theo nhu cầu thực tế của người dân ngay, mà phải có lộ trình, thời gian.

THU HOÀI

(còn tiếp)

 

.
.
.