Thứ Sáu, 17/01/2025, 07:36 (GMT+7)
.
NỖ LỰC PHỦ KÍN MẠNG LƯỚI NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Bài cuối: Giải "bài toán" nước sạch nông thôn

Bài 1: Khi chính quyền vào cuộc

Bài 2: Nhận diện khó khăn, bất cập

Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn của Tiền Giang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung trên 97%. Để làm được điều này, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo, với nhiều phương án, giải pháp cụ thể; trong đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước, đề xuất làm hồ chứa nước ngọt để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa đang thiếu nước.

THÚC ĐẨY TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN CẤP NƯỚC SẠCH

Trước những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm phủ kín tỷ lệ cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhân dân sử dụng trong thời gian tới.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với UBND tỉnh về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với UBND tỉnh về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 3,31% hộ dân nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, chưa thể đầu tư mạng lưới cấp nước, đa số thuộc phạm vi vùng cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang.

Do đó, sắp tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quan tâm đầu tư phát triển cấp nước đến vùng lõm, chưa có đường ống cấp nước kéo đến trên địa bàn huyện Cái Bè (gồm các xã Tân Hưng, Hòa Khánh, Thiện Trung, Mỹ Trung), huyện Tân Phước (khu vực đường Nam kinh Nguyễn Văn Tiếp và Đông kinh Nguyễn Tấn Thành, thị trấn Mỹ Phước), huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông.

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo lập và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách cụ thể, khoa học, toàn diện, đồng bộ về lâu dài cho cả 3 vùng (phía Đông, phía Tây, Trung tâm) của tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, địa phương và các đơn vị cấp nước tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Kế hoạch 435 của UBND tỉnh; hướng dẫn quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch nông thôn; chuyển đổi mô hình quản lý trạm cấp nước từ tổ hợp tác sang loại hình quản lý khác có hiệu quả hơn đối với các trạm cấp nước kém hiệu quả, không thể củng cố, nâng chất.

Tại buổi Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm huy động nhiều nguồn lực nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân sử dụng, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đặt ra đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%.

Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các sở, ngành tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 435 ngày 17-10-2023 của UBND tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025 xem còn những khó khăn, hạn chế hay những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để có giải pháp cụ thể.

Trong đó, cần tính toán nguồn lực đầu tư cụ thể, đâu là nguồn lực của tỉnh, đâu là nguồn lực của huyện, việc Nhà nước và nhân dân cùng làm thì tỷ lệ như thế nào cho phù hợp…

Cùng với đó, cần quan tâm chỉ đạo các ngành tăng cường việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp huyện, xã, kiểm tra nhắc nhở các đơn vị cấp nước thường xuyên đảm bảo nguồn nước an toàn cho người dân sử dụng trong thời gian tới...
 

Cùng với đó là chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được HĐND tỉnh thông qua; với kinh phí thực hiện 11,599 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện 2025 - 2027.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị, thành tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động các trạm cấp nước nhằm đảm bảo cho 100% trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh được hoạt động ổn định, hiệu quả, bền vững lâu dài cả về lượng và chất.

Vừa qua, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc này, đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan lập Đề án Phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng phân 3 vùng cấp nước (vùng Trung tâm, vùng ven biển phía Đông và vùng phía Tây); UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương đề án này và đang thuê tư vấn để làm Đề án về cấp nước mang tính tổng thể trên toàn tỉnh.

Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Y tế, các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp, tăng cường ngoại kiểm nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhân dân. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cũng lưu ý các doanh nghiệp cấp nước nghiên cứu kỹ các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong hoạt động cấp nước sạch nông thôn, nếu thuộc đối tượng hỗ trợ thì nhanh chóng làm hồ sơ gửi về các sở, ngành tỉnh để được xem xét hỗ trợ.

Đối với các ý kiến cũng như gợi mở một số giải pháp của Đoàn giám sát, UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG HỒ TRỮ NƯỚC NGỌT TẠI KHU VỰC PHÍA ĐÔNG

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, về lâu dài, để giải quyết căn cơ việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân địa bàn khó khăn, như: Các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, TP. Gò Công, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư mở rộng và kiện toàn hạ tầng cấp nước, để ai cũng được hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung.

Đồng thời, trong giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025, Tiền Giang tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình thuộc Dự án Đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn và 350 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng lõm.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một số trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một số trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, hộ dân ở các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ sống phân tán chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung sử dụng có thể đến lấy nước miễn phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tiền Giang đang xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng hồ trữ nước ngọt phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn các huyện Gò Công Tây, Gò Gông Đông, Tân Phú Đông và TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo đề xuất sơ bộ, dự án sẽ đầu tư các hạng mục chính, gồm: Hồ chứa nước Tân Thới (xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông) với diện tích 20 ha, dung tích khoảng 800 ngàn m3; hồ chứa nước Gò Gừa tại huyện Gò Công Tây (nạo vét mở rộng sông Gò Gừa tạo hồ chứa nước với diện tích khoảng 56,7 ha, dung tích khoảng 1,5 triệu m3); hồ chứa nước Vàm Gié tại TP. Gò Công và huyện Gò Công Tây (nạo vét mở rộng rạch Vàm Gié tạo hồ chứa nước với diện tích là 69,6 ha, dung tích khoảng 2 triệu m3). Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ 3 hồ chứa nước này hơn 1.286 tỷ đồng; trong đó, hồ chứa nước Tân Thới hơn 254 tỷ đồng, hồ chứa nước Gò Gừa hơn 437 tỷ đồng, hồ chứa nước Vàm Gié hơn 593 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ sử dụng vốn ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư. Hiện ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự án; sau đó, sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá dự án phát huy hiệu quả như thế nào, làm cơ sở để đề xuất đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Theo đánh giá, dự án được đầu tư với mục tiêu tăng cường tích trữ nước ngọt, nâng cao đầu nước trong mùa khô kiệt để đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp nước thô cho các nhà máy nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía Đông của tỉnh.

Để ứng phó với tình hình hạn, mặn xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến nhanh, khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc bổ sung nguồn nước ngọt cho khu vực cuối nguồn trong mùa khô, đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt cho huyện phía Đông là rất cần thiết.

Việc đầu tư xây dựng dự án sẽ giải quyết được các khó khăn thách thức nêu trên. Công trình sẽ từng bước hạn chế đến mức thấp nhất người dân đào, khoan giếng lấy nước ngầm để sử dụng.

THU HOÀI

.
.
.