Thứ Hai, 06/01/2025, 12:39 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tập trung khắc phục sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân

Nằm bên bờ sông Tiền, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt, Tiền Giang luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn biến phức tạp, khó lường.

b

Khảo sát điểm sạt lở bờ sông Cái Lân. Ảnh tư liệu: Minh Trí/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện còn 66 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài 8.087m và kinh phí xử lý, khắc phục ước lên đến trên 226,7 tỷ đồng.

Trước mắt, Tiền Giang đang đầu tư trên 202,7 tỷ đồng xử lý, khắc phục 59 điểm sạt lở tại các địa phương với tổng chiều dài 6.410m nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống, giảm nhẹ thiên tai.

Các điểm còn lại có tổng chiều dài 1.677m và kinh phí xử lý ước khoảng 24 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với Sở Tài chính tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và hỗ trợ tìm nguồn kinh phí cho các địa phương nhằm khắc phục thời gian tới, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, về lâu dài, nhằm khắc phục sạt lở, giảm nhẹ thiên tai một cách căn cơ, bền vững, địa phương coi trọng kết hợp đồng bộ cả hai giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư về việc cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; tích cực trồng cây chắn sóng, chắn gió; gây nuôi lục bình gây bối, tạo bãi để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông ngòi, kênh rạch gắn với kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi.

Đối với giải pháp công trình, những điểm sạt lở quy mô vừa và nhỏ, UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương về kinh phí xử lý, khắc phục; đồng thời phân cấp việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh. Khi xảy ra sạt lở, các địa phương phải chủ động kiểm tra, rà soát mức độ thiệt hại, phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa theo mức độ sạt lở để tiến hành xử lý rốt ráo.

Tùy mức độ sạt lở, địa phương có thể dùng cừ tràm hoặc bạch đà kết hợp sử dụng lưới B40, đắp đất hoặc đầu tư xử lý bằng cọc bê tông kết hợp giải pháp rọ đá. Trường hợp nặng hơn phải xử lý kiên cố bằng kết cấu bê tông tường đứng có chi phí cao, bình quân từ 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng/mét dài…

Đối với các điểm sạt lở lớn, phức tạp mà nguồn ngân sách tỉnh không đảm bảo cân đối để khắc phục, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí. Trong giai đoạn 2016 - 2024, được sự hỗ trợ của Trung ương, Tiền Giang đầu tư 1.303 tỷ đồng triển khai 27 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó Trung ương hỗ trợ 1.194 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, về lâu dài, địa phương sẽ rà soát, quy hoạch lại các tuyến dân cư ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở cao; quy hoạch luồng tuyến tàu chạy và quy định tốc độ tối đa của tàu thuyền tại một số trục kênh rạch, sông ngòi chính đề phòng sạt lở; quy hoạch phạm vi đào kênh và đắp đê gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn. Tỉnh lập các dự án đầu tư các ô đê bao bảo vệ khu dân cư, vùng chuyên canh cây ăn trái, vùng chuyên canh lúa năng suất cao, vùng kiểm soát lũ phía Tây theo quy hoạch được duyệt…

UBND tỉnh khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông và xử lý kịp thời các công trình xây dựng lấn chiếm lòng sông, kênh rạch khiến co hẹp dòng chảy, chuyển hướng dòng chảy làm gia tăng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo Báo Tin Tức (TTXVN)

.
.
.