Thứ Năm, 10/04/2025, 08:34 (GMT+7)
.

Quan tâm, sâu sát với nạn nhân da cam

Đó là ông Lê Văn Vũ (sinh năm 1955), hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông là một cán bộ Hội thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ với NNCĐDC - những người đã và đang phải gánh chịu nhiều nỗi đau trong cuộc sống do ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh để lại. Ông Vũ đến với NNCĐDC bằng cả tình thương và trách nhiệm của người làm công tác xã hội - từ thiện.

Ông Lê Văn Vũ, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.
Ông Lê Văn Vũ, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Ông Vũ tình nguyện vào quân ngũ từ năm 1979, ở đơn vị Tiểu đoàn Rạch Gầm - Tiền Giang và từng tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, năm 1982, ông Vũ trở về địa phương, sinh sống bên gia đình và tiếp tục công tác, cống hiến ở quê nhà - xã Vĩnh Kim qua nhiều vị trí công tác, như: Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho đến khi về nghỉ hưu trí, chuyển sang công tác tại Hội NNCĐDC xã và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.

Qua chặng đường dài công tác và cống hiến, với đức tính chịu khó, cần mẫn và hòa nhã với mọi người nên ở vị trí công tác nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, ông Vũ cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. 

Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim, ông Vũ luôn quan tâm, sâu sát, thấu hiểu nỗi đau và những khó khăn trong cuộc sống của NNCĐDC. Từ đó, để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ông Vũ cùng các anh em trong Ban Chấp hành Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim thường xuyên bàn bạc và tìm cách giúp đỡ, chăm sóc NNCĐDC sao cho hiệu quả và thiết thực nhất.

Hiện xã Vĩnh Kim có 318 NNCĐDC và người khuyết tật đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, nhất là những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn như trường hợp các NNCĐDC: Em Nguyễn Thị Mỹ Quyên (sinh năm 2011, ấp Vĩnh Bình), bị dị tật bẩm sinh không có đôi tay; anh Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1996, ấp Vĩnh Quý), bị dị tật, dị dạng, nằm liệt tại chỗ; bà Nguyễn Thị Nhành (sinh năm 1969, ấp Vĩnh Hòa), bị bệnh tâm thần; chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (sinh năm 1993, ấp Vĩnh Quý), bị dị tật, dị dạng bẩm sinh… 

Để có nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ NNCĐDC, ông Vũ cùng với Ban Chấp hành Hội và cả hội viên của Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim thường xuyên tìm đến các “địa chỉ đỏ”, những chỗ quen biết, bạn bè, đồng hương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để vận động đóng góp.  

Với cách làm như trên, mỗi năm, Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim đã vận động được khoảng 100 triệu đồng, giúp cho nạn nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ông Vũ chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng, việc chăm sóc NNCĐDC và gia đình nạn nhân là trách nhiệm của các cấp Hội NNCĐDC, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái với nhau. 

Hình thức chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC đa dạng và mang tính bền vững, như: Thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, phát thuốc miễn phí, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn sinh kế, học bổng, học nghề, việc làm, xây nhà, sửa chữa nhà ở…

Do NNCĐDC thường mắc bệnh hiểm nghèo, mạn tính, dị tật, dị dạng... rất hạn chế lao động hoặc mất hết khả năng lao động. Hầu hết các gia đình có NNCĐDC thuộc diện nghèo khó nên việc giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nạn nhân có thêm thu nhập, vượt qua nghèo khó, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng là mục tiêu phấn đấu lâu dài của Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim hiện nay”.

Ông Vũ luôn phát huy vai trò là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim, là người luôn gắn bó với Hội, gần gũi với NNCĐDC. Với những thành tích đạt được trong những năm qua, Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. 

Đồng thời, Hội NNCĐDC xã Vĩnh Kim được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen, Hội NNCĐDC tỉnh và UBND huyện Châu Thành tặng nhiều Giấy khen. Riêng bản thân ông Vũ được Hội NNCĐDC tỉnh và huyện Châu Thành tặng nhiều Giấy khen cho những đóng góp tích cực của ông vào hoạt động Hội.

LÊ HUỲNH

.
.
.