.

Cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát

Cập nhật: 16:18, 11/05/2025 (GMT+7)
(ABO) Ngày 11-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và nhiệm vụ thời gian tới.
 
Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Phiên họp diễn ra trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Tại Tiền Giang, phiên họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, địa phương. 
 
Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”.
 
Đại biểu dự tại điểm cầu Tiền Giang.
Đại biểu dự tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo 158/TB-VPCP, đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ và đang triển khai 9/27 nhiệm vụ. Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó khi đã khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.
 
Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31-10-2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày). Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 8 căn/ngày.
 
Vì vậy, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai chương trình; trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai chương trình (về thủ tục, quy trình thực hiện; cách thức phân bổ kinh phí hỗ trợ; bố trí đất ở; vấn đề nhân lực, vận chuyển vật liệu; sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024...).
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu (chụp qua màn hình).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu (chụp qua màn hình).
 
Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả, tính đến ngày 7-5-2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát. Trong tháng 5-2025, để thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong tháng 6-2025, dự kiến có 16 địa phương hoàn thành chương trình, trong đó có Tiền Giang. 26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến hết tháng 10-2025 hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
 
Tại Tiền Giang, qua rà soát lại, UBND tỉnh đã có Văn bản 2751/UBND-KGVX ngày 17-4-2025 báo cáo Bộ Tôn giáo và Dân tộc về số liệu nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 587 hộ gia đình có nhà tạm, nhà dột nát đủ điều kiện để triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa (xây mới 350 căn; sửa 237 căn). Trong đó, đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ là 136 căn. Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 451 căn. Tổng kinh phí để thực hiện là 29,1 tỷ đồng (trong đó, 6,1 tỷ đồng để hỗ trợ người có công, thân nhân liệt sĩ và 23 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo).
 
Về tiến độ, kết quả thi công đến ngày 9-5-2025, toàn tỉnh đã khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng 486 căn. Trong đó, hộ người có công: 131 căn; hộ nghèo, hộ cận nghèo: 355 căn, vượt chỉ tiêu đã đăng ký với Ban Chỉ đạo Trung ương và với Tinh ủy (xóa xong 485 căn nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30-4-2025).
 
Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn 101 trường hợp đang thực hiện và chuẩn bị khởi công. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương phấn đấu thực hiện xong trước ngày 30-6-2025, đúng tiến độ đã đăng ký với Trung ương và Tỉnh ủy.
 
Tại Phiên họp thứ tư, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả, tiến độ, đề xuất kiến nghị và nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện; đại diện một số địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
 
Phát biểu kết luận Phiên họp thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là chương trình lớn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chỉ bàn làm không bàn lùi. Đề nghị toàn hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp cùng quyết tâm nỗ lực cao nhất để chung tay thực hiện theo lời hiệu triệu “Ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít", "người có công giúp công, người có của giúp của”.
 
Thủ tướng đề nghị cơ quan chuyên môn tổng kết, đánh giá, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này 1 năm qua.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ngành Ngân hàng, các cơ quan truyền thông, các bộ, cơ quan, địa phương, các đơn vị tài trợ đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
 
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, chỉ bàn làm, không bàn lùi; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31-10-2025. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27-7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2-9).
 
Phương châm “Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, “Mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần”, “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trên địa bàn (Quân đội, Công an, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, họ hàng, làng xóm...).
 
Người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả; nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật. Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, đúng thời điểm, xử lý ngay, dứt điểm các vấn đề phát sinh; báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền.
 
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí. Kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý kỷ luật những nơi sai phạm, chậm trễ.
 
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ, đồng hành trong triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến 31-10-2025 để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước.
 
Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, là tình cảm, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
 
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần “thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt tạo nên kết quả đặc biệt”, “thần tốc và táo bạo hơn nữa”, “quyết chiến, quyết thắng”, đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để làm.
 
LÊ PHƯƠNG
 
 
.
.
.