Chàng trai trẻ giữ hồn thư pháp
(ABO) Thư pháp thường gắn liền với hình ảnh "ông đồ già" mỗi dịp tết đến, xuân về, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, lại có một thanh niên trẻ đã và đang thổi bùng ngọn lửa đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đó là anh Lê Phan Nguyễn Hữu Thuận, hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 1 (phường 2, TP. Mỹ Tho), đồng thời là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Mỹ Tho.
Niềm yêu thích thư pháp của Thuận nhen nhóm từ nhỏ, nhưng phải đến năm 2010, một cơ duyên đặc biệt khi tham quan triển lãm thư pháp tại TP. Hồ Chí Minh đã thực sự cuốn hút anh và khiến anh nhận ra sự thú vị của bộ môn này. Sau đó, Thuận bắt đầu tự tìm tòi, học hỏi trên mạng và liên hệ với các bậc tiền bối chơi thư pháp tại Mỹ Tho và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
![]() |
Anh Thuận tặng chữ cho khách tham quan tại một sự kiện. |
Hành trình chinh phục thư pháp của Thuận không hề dễ dàng. Anh cho biết, bộ môn này ở Tiền Giang chưa phát triển mạnh như ở TP. Hồ Chí Minh, dẫn đến việc thiếu giáo trình học tập. Ở Mỹ Tho, việc truyền đạt kiến thức chủ yếu qua hình thức truyền miệng. Khi gặp khó khăn với một nét chữ, Thuận tìm đến các bậc tiền bối nhờ chỉ dạy thêm và tiếp tục học hỏi trên mạng để phát triển kỹ năng.
Anh cũng cho biết, để theo đuổi thư pháp, người viết cần rèn luyện bản thân, có cái tâm và sự nhẫn nại. Một tâm hồn thoải mái, đầu óc thư thái, thanh tịnh là yếu tố cần thiết để tạo nên nét chữ đẹp, thanh thoát và nhẹ nhàng. Ngược lại, nếu nóng giận, vội vàng sẽ không thể tạo ra nét chữ đẹp của thư pháp.
Mặc dù việc học thư pháp đòi hỏi sự rèn luyện liên tục và không xác định được thời gian cụ thể, giống như bắt đầu học lại từ đầu như cấp tiểu học (viết nét ngang, dọc, xoắn, chữ cái, ghép từ, câu), Thuận vẫn kiên trì. Anh sắp xếp thời gian linh hoạt, tự học và chú trọng vào việc trau chuốt từng nét chữ.
Với niềm đam mê cháy bỏng, năm 2017, Câu lạc bộ Thư pháp Hoa Thư Việt được thành lập với 15 thành viên, do anh Thuận làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng như: Viết thư pháp tặng chữ tại các sự kiện của Huyện, Thành, Thị đoàn, Đại hội Đoàn, Đại hội thanh niên và các lễ hội của TP. Mỹ Tho. Ngoài ra, câu lạc bộ còn bán chữ trên liễn, móc khóa và tham gia các show sự kiện.
Điều đặc biệt ở Lê Phan Nguyễn Hữu Thuận là sự không ngừng học hỏi và sáng tạo. Anh chia sẻ bản thân vẫn đang tiếp tục tìm tòi để "phá cách" nét chữ của mình. Hiện tại, Thuận viết thư pháp không chỉ trên giấy mà còn trên đá, kính. Anh còn đang học hỏi để ứng dụng thư pháp trên các chất liệu đa dạng khác như gỗ, tranh, ảnh, thậm chí phát triển nét chữ viết bằng một nét bút, nhằm làm phong phú thêm nghệ thuật thư pháp và tránh sự nhàm chán so với phong cách truyền thống "mực tàu giấy đỏ" của các cụ đồ xưa.
Thuận cũng nhận thấy, dù có nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn học thư pháp, nhưng không phải ai cũng theo đuổi đến cùng, nhiều người bỏ cuộc khi gặp khó khăn, cho thấy đam mê chưa thực sự cháy bỏng. Đối với Thuận, khi đã đam mê thì phải chinh phục, không nản lòng.
![]() |
Anh Thuận hướng dẫn cho người nước ngoài viết thư pháp. |
Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê cá nhân, Thuận còn trích kinh phí từ các sự kiện của câu lạc bộ thư pháp để tặng quà cho thanh niên yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Anh còn liên kết với các câu lạc bộ ngoài tỉnh để tổ chức các buổi trò chuyện và phối hợp phát triển hoạt động của câu lạc bộ.
Trong tương lai, Thuận mong muốn mở thêm các lớp dạy thư pháp thường xuyên hơn để lan tỏa bộ môn này và tập hợp những người có cùng đam mê. Anh cũng ấp ủ ước mơ mở một phòng tranh riêng, vừa làm nơi học tập cố định cho học viên, vừa là không gian giao lưu cho các nghệ sĩ thư pháp.
Dù thư pháp ở Tiền Giang chưa thực sự phát triển mạnh như TP. Hồ Chí Minh, nhưng đây cũng là nghề "tay trái" giúp Thuận thỏa mãn đam mê và có được nguồn thu nhập nhất định. Đặc biệt vào dịp tết, Thuận có thêm thu nhập khá cao từ các sự kiện Ông đồ tặng chữ, đúng như câu thơ "Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ...".
Anh Lê Phan Nguyễn Hữu Thuận không chỉ là một thanh niên trẻ đam mê thư pháp, mà còn là một tấm gương về lối sống "chậm, sâu và đẹp" giữa nhịp sống hiện đại vội vã. Anh thực sự là "ngọn lửa giữ hồn thư pháp Việt" trong lòng tuổi trẻ ngày nay.
LÝ OANH