Thứ Bảy, 24/10/2020, 17:10 (GMT+7)
.
HUYỆN CHỢ GẠO, TỈNH TIỀN GIANG:

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp.

Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của huyện tăng trưởng nhanh, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm trong vườn thanh long leo giàn  của anh Phạm Duy Khoa.
Hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm trong vườn thanh long leo giàn của anh Phạm Duy Khoa.

TƯỚI TỰ ĐỘNG, SẢN XUẤT THEO GAP

Hằng năm, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngành chuyên môn huyện tổ chức trên 450 cuộc ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Các mô hình ứng dụng thí điểm đã từng bước đi vào sản xuất đại trà như quản lý bệnh đốm nâu thanh long, trồng thanh long leo giàn; tưới nước tiết kiệm, tưới nước tiên tiến; trồng khảo nghiệm giống thanh long vỏ vàng; sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP; nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học; chăn nuôi heo, gà trong trại lạnh, sử dụng máy ép phân...

Những thành tựu khoa học công nghệ cùng với các chính sách đổi mới đã góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp tăng cả về năng suất lẫn chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh
của nông sản.

Sau 2 năm ứng dụng hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm trong vườn thanh long leo giàn của gia đình, anh Phạm Duy Khoa (ấp Bình Phú, xã Bình Phục Nhứt) rất tâm đắc với hệ thống tưới này vì giúp giảm chi phí sản xuất như giảm lượng phân bón, nhân công; tiết kiệm thời gian, nước tưới... Anh Khoa cho biết, hệ thống tưới tự động, tiết kiệm đã giúp gia đình anh giảm gần một nửa lượng phân bón cho cây trồng nhưng năng suất thanh long vẫn không thay đổi.

Với vườn thanh long rộng 4.000 m2, anh chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn thành việc tưới nước trong khi một người tưới thủ công phải mất gần nửa ngày. Đặc biệt, trong đợt hạn, mặn diễn biến phức tạp thời gian qua, vườn thanh long của gia đình anh vẫn phát triển tốt nhờ hệ thống tưới tự động và tiết kiệm này.

Nhận thấy hiệu quả của hệ thống tưới nhỏ giọt sau khi tham quan các vườn thanh long tại xã Quơn Long và các vườn thanh long tại tỉnh Long An, ông Mai Văn Gàn (ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt) đã áp dụng hệ thống tưới này vào vườn thanh long rộng 5.500 m2 của gia đình. 

Ông Gàn cho biết, sau 2 năm trồng thanh long ruột đỏ, ông đầu tư trên 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống béc, dây theo ống để thực hiện tưới nhỏ giọt cho vườn thanh long. Hệ thống tưới này ông dùng để tưới phân, thuốc dưỡng rễ cho cây. Với cách làm này, ông tiết kiệm rất nhiều công lao động, thời gian tưới rút ngắn chỉ còn khoảng 45 phút (khoảng 4 - 5 giờ tưới theo cách thủ công).

Đợt hạn, mặn vừa qua, ông chỉ cần khoảng 3.000 lít nước đã hoàn thành việc tưới tiêu cho vườn thanh long. Nước tưới thấm nhanh vào gốc, không lan ra đất trống và bón phân cho thanh long cũng đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, với hệ thống tưới nước này, từng gốc thanh long được cung cấp nước đầy đủ, phân dễ dàng hấp thụ vào cây. Qua đó, năng suất đạt khá cao.

Ông Mai Văn Gàn (ấp Bình Khương II) kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt gốc thanh long.
Ông Mai Văn Gàn (ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt) kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt gốc thanh long.

Bên cạnh ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn thanh long, ông Gàn còn thực hành sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và sử dụng phân hữu cơ bón cây thanh long. Nhờ vậy, hằng năm vườn thanh long của gia đình ông thu hoạch 20 tấn trái, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

TĂNG HIỆU QUẢ, GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Với hiệu quả thiết thực từ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nông dân huyện Chợ Gạo từng bước nâng dần giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, 100% hộ sản xuất nông nghiệp đã sử dụng máy phun thuốc; trên 25% diện tích áp dụng mô hình tưới phun, tưới nhỏ giọt; trên 80% hộ sử dụng bóng đèn compact trong xử lý ra hoa trái vụ.

Về mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long, trên địa bàn huyện có 50 ha trồng thanh long leo giàn, tưới nước tiết kiệm. Hiện trên địa bàn huyện khảo nghiệm giống mới trên thanh long được 5 ha (thanh long vỏ vàng). Kết quả ban đầu, thanh long cho trái đẹp, sai trái, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Ngoài ra, nông dân trong huyện sử dụng phân hữu cơ chiếm 70% lượng phân bón; thực hiện trồng rau trong nhà lưới, nhà màng thủy canh, dưa lưới được 3,2 ha. Nông dân ứng dụng hệ thống tưới nước tự động, điều khiển từ xa trong thanh long ngày càng nhiều….

Với kết quả đạt được từ những mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích, giảm ô nhiễm môi trường...

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất…

NGỌC XUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.