.
CHUYÊN TRANG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Đưa công tác gia đình đi vào chiều sâu, hiệu quả

Cập nhật: 16:53, 20/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, công tác gia đình (CTGĐ), phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) luôn được lãnh đạo huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phát triển.

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Thực tiễn cho thấy, nền tảng gia đình được xây dựng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những chuẩn mực đạo đức của xã hội, nên luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Các quy định của pháp luật có liên quan đến gia đình ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thực hiện hôn nhân bình đẳng, tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Gò Công Tây, công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện được chú trọng, đặc biệt thông qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các đề án trên lĩnh vực gia đình, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã được lan tỏa sâu rộng đến từng xóm, ấp và từng gia đình.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, CTGĐ và dân số huyện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo huyện) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia đăng ký và phấn đấu thực hiện đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên vận động, đẩy mạnh các hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững”, “PCBLGĐ”, công tác hòa giải những bất đồng trong gia đình và cộng đồng dân cư, đã đem lại những tác động tích cực về mặt xã hội và kinh tế.

Các tệ nạn về xã hội và bạo lực gia đình được kéo giảm, những giá trị nhân văn trong các gia đình như: Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được tôn trọng và đề cao.

Trao tặng trang thiết bị Mô
Trao trang thiết bị hoạt động mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững xã Yên Luông Lê Ngọc Tuyến cho biết, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững xã Yên Luông với 20 thành viên sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần tại nhà văn hóa các ấp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút nhiều hội viên tham gia.

Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên trong CLB được phổ biến, tuyên tuyền về Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ; cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh; cách trồng dừa, chăn nuôi bò… giúp các thành viên tăng thu nhập cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Ngoài ra, thông qua các buổi sinh hoạt, thành viên CLB còn được tư vấn, hỗ trợ vay vốn từ các nguồn vay như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang… để phát triển kinh tế, không áp lực về tiền nông cũng là nền tảng quan trọng để gia đình hạnh phúc.

Các buổi sinh hoạt với nội dung tuyên truyền gắn liền với cuộc sống hằng ngày của các thành viên trong CLB đã giúp cho các thành viên có ý thức trong việc cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giúp các gia đình yêu thương gắn bó nhau hơn. Từ năm 2022 đến nay trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ việc bạo hành gia đình nghiêm trọng.

Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng
Mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Bình Nhì.

Theo Phòng VH-TT huyện, hiện trên địa bàn huyện có 39 CLB Gia đình phát triển bền vững tại các ấp, khu phố; 8/13 xã có Đội PCBLGĐ; 11/66 ấp, khu phố có Đội PCBLGĐ và 14 cơ sở tư vấn, địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đặt tại trạm y tế xã, thị trấn.

Trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các CLB Gia đình phát triển bền vững và Đội PCBLGĐ duy trì hoạt động tại các ấp. Các CLB sinh hoạt với các hình thức đa dạng như: Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên CLB, sinh hoạt nói chuyện chuyên đề về bạo lực gia đình; biểu dương những gia đình điển hình tiên tiến; phát triển trong sản xuất chăn nuôi và qua đó nhắc nhở những vấn đề còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện không có trường hợp bạo lực gia đình xảy ra.

Toàn huyện có 36.608 hộ gia đình, năm 2024 qua bình xét, có 34.741 hộ/36.608 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 94.9%. Qua phong trào, nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng khu phố, ấp văn hóa; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và xã nông thôn mới trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT CÁC HOẠT ĐỘNG

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo huyện, xã, bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai xây dựng phong trào Gia đình văn hóa và công tác PCBLGĐ của huyện vẫn còn một số hạn chế, như: CTGĐ là một mảng rộng rất phức tạp, các hình thức bạo lực gia đình rất khó phát hiện, một số người dân không muốn báo đến chính quyền địa phương nên việc đưa đối tượng có hành vi bạo lực gia đình ra xử lý rất hạn chế. Hoạt động của các CLB Gia đình phát triển bền vững, Đội PCBLGĐ chưa thật sự đạt kết quả như mong muốn, do nguồn kinh phí hoạt động hạn chế.

Ảnh: CTV
Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa chủ đề gia đình thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn huyện. Ảnh: CTV

Để công tác xây dựng gia đình văn hóa và công tác PCBLGĐ đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo huyện đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Theo đó, huyện: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện bình xét gia đình văn hóa đúng theo hướng dẫn của sở, 100% số ấp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tiếp tục tổ chức triển khai và thực hiện tốt CTGĐ ở huyện và cơ sở; nhân rộng việc thực hiện mô hình PCBLGĐ và mô hình Giảm tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ở tất cả các xã - thị trấn trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam năm 2025.

Cùng với đó là tổ chức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 100% ấp, khu phố trên địa bàn huyện vào năm 2025. Đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về CTGĐ.

Quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình trên địa bàn huyện cho phù hợp với tình hình mới. Chú trọng biểu dương và khen thưởng kịp thời theo quy định của Nhà nước về CTGĐ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Luông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11, Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ từ ngày 1-6 - 30-6-2025.

Tiếp tục duy trì và nhân rộng hiệu quả mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, Đội PCBLGĐ trên địa bàn huyện; thực hiện thu thập, báo cáo thông tin về gia đình, PCBLGĐ theo quy định. Tiếp tục thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. 

Phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền chính sách, pháp luật về gia đình và PCBLGĐ. Phát huy tính gương mẫu của gia đình mình; đồng thời, động viên giúp đỡ mọi gia đình xung quanh cùng chung lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, tạo thành phong trào rộng khắp, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội trong thời gian tới.

QUẾ ANH 

.
.
.