Thứ Hai, 16/12/2024, 00:42 (GMT+7)
.
CHUYÊN TRANG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân

(ABO) Thời gian qua, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Việc đảm bảo an toàn thông tin và ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực khác nhau đang tạo ra bước đột phá trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số.

ĐẢM BẢO HẠ TẦNG THÔNG SUỐT

Hạ tầng kỹ thuật tại huyện Gò Công Tây đã được đầu tư đồng bộ, từ các cơ quan cấp huyện đến các xã, là một trong những ưu tiên quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số.

Cụ thể, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã được kết nối Internet và mạng nội bộ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Mỗi cán bộ, công chức tại các cơ quan cấp huyện và xã đều được trang bị máy tính, phục vụ cho công tác quản lý và điều hành.

Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước đã được triển khai đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến.

Ngoài ra, tại các trụ sở UBND, nhà văn hóa xã cũng được lắp đặt wifi miễn phí cho cán bộ và người dân sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giao tiếp và phục vụ công dân.

Các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cấp cũng đã được trang bị máy tính bảng, giúp quy trình tiếp nhận hồ sơ, xử lý công việc trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây).
Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành tại huyện Gò Công Tây đã có bước tiến lớn.

Tất cả cán bộ, công chức đều sử dụng ứng dụng TiengiangG để hỗ trợ công tác chuyên môn. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã giúp xử lý nhanh chóng và chính xác 100% văn bản đi, đến.

Các ứng dụng chữ ký số cũng được triển khai rộng rãi, đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong việc phát hành các văn bản hành chính.

Hệ thống thư điện tử công vụ đã được triển khai đến 100% cán bộ, công chức. Tổng đài 1022 được kiểm tra và vận hành hiệu quả, đảm bảo tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của công dân đúng thời gian quy định.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng được chú trọng, với 100% hệ thống thông tin trên địa bàn huyện đạt chuẩn an toàn thông tin.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn an ninh mạng, các kỹ năng phòng chống, xử lý các mối nguy hại của vi rút, mã độc đối với hệ thống máy vi tính cho cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị; nhất là trong việc truy cập, khai thác thông tin trên Internet, sử dụng các trang mạng xã hội...

Tính đến nay, có 215/215 máy tính của cán bộ, công chức đều được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc tập trung.

PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI SỐ

Một trong những điểm sáng trong công tác phát triển xã hội số của huyện là việc triển khai nền tảng công dân số TienGiangS. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, đồng thời tổ chức các chiến dịch hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Mô hình xã chuyển đổi số đã được triển khai tại xã Thạnh Nhựt và xã Thành Công, với các dịch vụ như thanh toán trực tuyến qua Viettel Money, hỗ trợ tài khoản ngân hàng và mã QR thanh toán cho các hộ kinh doanh.

Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây).
Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây).

Cụ thể, chuyển đổi số toàn diện tại xã Thạnh Nhựt đã lắp đặt hệ thống thanh toán và mã QR Viettel Money tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại UBND xã; triển khai dịch vụ chữ ký công cộng Mysign cho 320 hộ dân; triển khai thu học phí trực tuyến qua Viettel Money tại 100% trường học trên địa bàn; thiết lập điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money tại mỗi ấp, hỗ trợ nạp/rút/chuyển tiền và các dịch vụ tài chính khác; hướng dẫn 100% hộ kinh doanh và tiểu thương tạo mã QR Code để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyển đổi số toàn diện tại xã Thành Công đã hỗ trợ tạo tài khoản ngân hàng cho 101 người dân; 116 lượt hỗ trợ bật sóng 4G và cung cấp 65 máy 4G cho người dân; cài đặt ứng dụng TienGiangS cho 270 người dân; hướng dẫn cài đặt chữ ký số (SmartCA) cho 63 người dân; hướng dẫn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho 520 hộ kinh doanh và tiểu thương.

Ngoài ra, các dịch vụ bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội đã được thực hiện không dùng tiền mặt, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Bảo hiểm xã hội huyện thường xuyên trích lọc dữ liệu quản lý, cập nhật số định danh cá nhân, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục cũng được huyện Gò Công Tây đặc biệt chú trọng. Các trường học đã sử dụng tốt các công cụ điện tử như văn phòng điện tử, email, sổ liên lạc điện tử và các mạng xã hội để kết nối với phụ huynh, học sinh. Nhất là Trường THPT Nguyễn Văn Thìn triển khai mô hình quản lý, điểm danh học sinh bằng thẻ từ, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời tăng cường sự tương tác giữa nhà trường và phụ huynh.

Theo UBND huyện, người dân trên địa bàn huyện có điện thoại di động thông minh là 103.414/123.152 thuê bao, đạt 83,97%; tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% xã, thị trấn; các nhà văn hóa, Trung tâm văn hoá các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được lắp đặt wifi phục vụ người dân đến sinh hoạt sử dụng miễn phí.

Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân nâng cấp lên điện thoại 4G tại xã Thạnh Nhựt.
Viettel Tiền Giang hỗ trợ người dân nâng cấp lên điện thoại 4G tại xã Thạnh Nhựt.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết: Trong năm 2025, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai nền tảng quản trị nhà trường, xây dựng không gian làm việc số ở tất cả các cơ sở giáo dục, thực hiện mô hình trường học ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành Giáo dục và Đào tạo phục vụ công tác quản lý giáo dục, báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát và kiểm tra.

Thực hiện 100% trường học sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu) để sử dụng các sổ điện tử quản lý giáo viên, quản lý học sinh thay cho sổ giấy. Tiếp tục xây dựng số hóa dữ liệu văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác trên môi trường mạng với phụ huynh, học sinh và nhà trường, cung cấp dịch vụ số tốt hơn cho người dân, cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận nhiều hơn các dữ liệu giáo dục.

Tiếp tục tập huấn giáo viên và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức có hiệu quả các hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Việc tổ chức các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh thông tin; tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân.

Phối hợp ngân hàng, nhà mạng thực hiên thu học phí không dùng tiền mặt cho tất cả các bậc học.

 

LÊ MINH

.
.
.