Thứ Hai, 27/05/2019, 19:55 (GMT+7)
.

Đắng lòng với hoàn cảnh của cô bé mồ côi

(ABO) Cha mẹ ly hôn khi Bảo Châu còn trong bụng mẹ; Châu sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và ông ngoại.

Câu chuyện về số phận cô bé Nguyễn Bảo Châu, sinh năm 2008 (hiện là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thạnh Trị) ngụ ấp 1, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho khiến chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe người bà Trần Thị Thu Vân (chị của bà ngoại Bảo Châu) kể lại. Đó là, cha và mẹ Bảo Châu đã ly hôn khi em chưa chào đời. Bảo Châu sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và ông ngoại. Lúc đó, cô bé Bảo Châu sinh ra rất khó nuôi. Mẹ Bảo Châu đi làm công nhân để có tiền lo cho em ăn học và ông ngoại già yếu.

Bảo Châu bên di ảnh của mẹ
Bảo Châu bên di ảnh của mẹ.

Bảo Châu trong nhút nhát và “khờ” hơn so với các bạn cùng trang lứa. Chẳng may, sau một cơn bạo bệnh mẹ Bảo Châu đột ngột qua đời, đến nay gần tròn 1 năm. Bảo Châu phải nương tựa vào ông ngoại hơn 70 tuổi. Bà Thu Vân cho biết: “Lúc mẹ Bảo Châu mất, 2 ông cháu nương tựa nhau sống. Nhà không đất sản xuất, ông ngoại Bảo Châu phải đi làm thuê nuôi Bảo Châu”.

Cuộc sống cứ tưởng không còn gì bất hạnh hơn, khi cách nay chưa đầy 1 tháng, ông ngoại của Bảo Châu lâm bệnh qua đời. Trong căn nhà lạnh lẽo chỉ có mình Bảo Châu. Bà Thu Vân không cầm được nước mắt kể thêm: “Ban ngày tôi ở đây lo cơm nước cho Bảo Châu đi học và lo cúng cơm cho mẹ và ông ngoại Bảo Châu. Chiều khi Bảo Châu đi học về thì tôi đưa Bảo Châu về nhà tôi ngủ. Tôi không đành lòng để cháu ngủ một mình”.

Hiện tại Bảo Châu chỉ có bà Thu Vân chăm sóc
Hiện tại Bảo Châu chỉ có bà Thu Vân chăm sóc.

Bà Thu Vân buồn bã tâm sự nỗi lo lắng của mình: “Bảo Châu rất đáng thương. Bản thân tôi đã già không có kinh tế, không biết có thể bảo bọc cho Bảo Châu được bao lâu. Bên cạnh đó, khi ông ngoại và mẹ Bảo Châu còn sống cũng có vay mượn một số nơi để lo bệnh tình. Nay mẹ và ông ngoại mất, nhưng số tiền nợ thì vẫn còn”.

Thầy Phạm Quốc Tính, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Trị cho biết: “Hoàn cảnh của Bảo Châu thật tội nghiệp. Về học lực Bảo Châu cũng không bằng bạn bè. Trong thời gian qua, những suất quà, học bổng nhà trường đều dành cho em”.

Cô bé chỉ mới 11 tuổi đã phải chịu nhiều mất mát, khi hỏi Bảo Châu có nhớ mẹ và ông ngoại không? Bảo Châu chỉ cuối đầu không đáp, đôi mắt em ngấn lệ nhìn lên di ảnh của mẹ và ông ngoại. Chúng tôi biết Bảo Châu buồn lắm. 11 tuổi, em chẳng có gì khi mẹ đã chết, cha bỏ không nuôi dưỡng, bản thân lại không được như bao bạn bè khác… tương lai phía trước rất mịt mờ.

P. MAI

.
.
.